Hiểm họa sà lan đâm va cầu

Vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai mới đây thực sự là hồi chuông cảnh báo về tình hình an toàn giao thông đối với những cây cầu tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có TP Hồ Chí Minh.

Nỗi ám ảnh mang tên... Bình Lợi

Nhắc đến cây cầu lâu đời và xảy ra nhiều vụ tai nạn tàu thuyền đâm va nhất trên các luồng sông, kênh rạch TP Hồ Chí Minh không thể không nhắc đến cầu sắt Bình Lợi. Cầu được Pháp xây, có tuổi thọ hơn 100 năm, bắc qua sông Sài Gòn, nối đôi bờ quận Thủ Đức và Bình Thạnh. Cầu được dùng để lưu thông chính cho tuyến đường sắt Việt Nam cùng một đường phụ lưu thông xe 2 bánh.

Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập 2 nhịp. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Theo thống kê của phòng Cảnh sát đường thủy - Công an TP Hồ Chí Minh, tính riêng trong năm 2015, tại cây cầu này đã xảy ra 3 vụ đâm va cầu mà thủ phạm không ai khác ngoài sà lan. Cụ thể, vào lúc 00 giờ 55 phút ngày 29/5/2015, tàu kéo LA.03670 - 350 CV kéo sà lan LA.05566 955T va chạm cầu Bình Lợi. Lúc 12 giờ 50 ngày 3/6/2015, sà lan ST.3619 - H trọng tải 607 tấn, công suất 350 CV va chạm cầu Bình Lợi. Cả 2 vụ tai nạn này đều khiến giao thông đường sắt bị tê liệt trong nhiều giờ đồng hồ.

Đặc biệt, vào lúc 1 giờ 30, ngày 1/11/2015, sà lan LA.05853 công suất 400 CV, trọng tải 998 tấn qua khoang thông thuyền cầu Bình Lợi, nóc cabin va đụng vào dầm cầu làm lệch 23,5 cm khiến đường ray bị cong vẹo, biến dạng so với ban đầu. Nhiều chuyến tàu đã phải dừng lại trong ga Sài Gòn, Bình Triệu và Sóng Thần và chỉ có thể chạy qua cầu với tốc độ 5 km/giờ sau nhiều giờ đồng hồ khắc phục sự cố.

So sánh giữa cầu Bình Lợi và cầu Ghềnh, Đồng Nai, trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội 2, phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng, cả 2 cây cầu đều là cầu sắt cho tàu hỏa và phương tiện đường bộ đi chung. Cầu có độ tĩnh không thấp, được xây dựng trên 100 năm. Riêng cầu Bình Lợi đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do phương tiện thủy đâm va gây hư hỏng, làm gián đoạn giao thông.

Năm 2015 cũng xảy ra va chạm vào cầu Long Kiểng (hơn 100 năm tuổi), huyện Nhà Bè làm 9 gối cầu nhịp thông thuyền bị lệch 25 cm và một bộ giằng gió bị đứt. Một sà lan tàu kéo cũng va chạm vào cầu Rạch Dơi, khiến giao thông bị gián đoạn. Ngoài ra, còn xảy ra 3 vụ đâm va cầu bắc qua kênh, gây ách tắc giao thông.

Giải pháp chống đâm va

Trao đổi với phóng viên về giải pháp an toàn cho các công trình bắc qua sông trên địa bàn, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua thành phố đã thực hiện giải pháp lắp trụ chống đâm va cho chân cầu. Đồng thời, lắp đặt biển báo hướng dẫn mức thông thuyền, thước đo độ sâu mức nước, bảng công bố mức nước tàu chạy... cho các chủ phương tiện biết. Vì thế, đã hạn chế rất nhiều các vụ tàu thuyền đâm va cầu trong khi lưu thông.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Sở đang quản lý 94 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 612 km; trong đó đã duy tu, sửa chữa 3.292 biển báo, lắp đặt 1.797 báo hiệu mới, duy tu sửa chữa kịp thời 1.666 m2 mặt kè hư hỏng; nạo vét các luồng nhằm đảm bảo an toàn giao thông khu vực như bến Thiềng Liềng, Phú Xuân - Phước Khánh, bến Cơ Khí... Trên địa bàn vẫn đang còn 44 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch; trong đó, có 41 vị trí nguy hiểm. Chỉ trong năm 2015 đã xảy ra 13 vụ sạt lở gây thiệt hại tài sản và làm lở đất.

Theo nhận định của phòng Cảnh sát đường thủy (Công an TP Hồ Chí Minh), tình trạng phương tiện thủy đâm va vào các công trình vượt sông trên địa bàn xảy ra đáng báo động. Một trong những nguyên nhân là do tài công, thuyền trưởng không tìm hiểu chiều cao, chiều rộng khoang thông thuyền, không tính toán kỹ độ nước dâng lên cũng như thời gian đưa phương tiện qua cầu, dẫn đến tàu thuyền bị nước đẩy, mất lái, đâm va.

Trung tá Phan Văn Mẫn cho biết, trong thời gian qua, cảnh sát giao thông đường thủy đã phối hợp với nhiều lực lượng liên quan như Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ hàng hải thành phố, thanh tra giao thông... để điều tiết 24/24 giờ, hướng dẫn phương tiện qua cầu. Phòng Cảnh sát đường thủy cũng đã gửi văn bản cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kiến nghị chỉ đạo cơ quan chức năng duy tu bảo dưỡng 9 phao neo tại khu vực thượng và hạ lưu cầu Bình Lợi sông Sài Gòn đã hết thời hạn kiểm định, nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện thủy neo đậu chờ nước, tránh trôi va vào cầu gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Ngoài ra, Cảnh sát đường thủy còn phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi neo đậu ở 2 đầu cầu trái phép. Đồng thời, tiến hành điều tra cơ bản, hay kiến nghị lắp đặt báo hiệu tại những khu vực; xử lý nghiêm người lái phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ hay phương tiện vận tải vượt quá trọng lượng cho phép...

“Hiện nay, có nhiều cầu đường bộ có khoang thông thuyền có độ tĩnh không thấp và hẹp. Tại một số cầu có dòng chảy không ổn định, thủy triều lên xuống nhanh, do đó người điều khiển phương tiện lưu ý theo các báo hiệu hướng dẫn giao thông. Trường hợp không nắm vững luồng, lạch, khẩu độ khoang thông thuyền thì không được điều khiển phương tiện đi qua để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra”, đại diện phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TP Hồ Chí Minh cho hay.
Trần Xuân Tình
Ùn ứ ghe tàu khu vực cầu Ghềnh bị sập
Ùn ứ ghe tàu khu vực cầu Ghềnh bị sập

Hàng trăm ghe tàu phải neo đậu hoặc không thể xuất bến do luồng lưu thông qua khu vực cầu Ghềnh bị cấm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN