Hội thảo quốc tế về giới và tái định cư

“Quyền sở hữu đất đai là yếu tố chủ chốt để cải thiện vị thế và quyền quyết định của phụ nữ” là nội dung chính trong “Hội thảo quốc tế về giới và tái định cư: Bằng chứng và hàm ý chính sách” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới và cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền phụ nữ tại Việt Nam tổ chức tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh vào ngày 13/4.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát biển tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Ngân hàng thế giới và cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành của Việt Nam đẩy mạnh việc bình đẳng giới và phát huy quyền năng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Hội thảo cũng chỉ rõ nguyên nhân ngoài chiến tranh và mâu thuẫn, các dự án phát triển như xây đập thủy điện, giao thông, đô thị… luôn là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tái định cư.

Trong bối cảnh đó, phụ nữ là nhóm dễ bị tổn thương do họ có thể không được tham gia và họ thường có nguy cơ bị bần cùng hóa cao hơn. Việc lồng ghép giới vào quá trình tái định cư sẽ tạo ra sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong các quá trình đưa ra quyết định, không chỉ ở cấp hộ gia đình mà còn ở cấp thể chế.

Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu tham dự.

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam đã có nhiều tiến bộ về đảm bảo bình đẳng giới, tuy nhiên bất cập lớn nhất hiện nay là quyền sử dụng đất, tiếp cận các nguồn tài chính hoặc cơ hội đào tạo không giống như nam giới.

Phụ nữ Việt Nam luôn mang gánh nặng không cân xứng về việc chăm sóc và làm việc gia đình không được trả công và tham gia ít hơn vào quá trình tham vấn cộng đồng và ra quyết định về các chính sách phát triển. Đặc biệt, do dễ bị tổn thương nên phụ nữ khi ở vào hoàn cảnh phải tái định cư dễ bị tác động tiêu cực nhiều hơn nam giới, cản trở họ hưởng lợi từ các cơ hội đang nổi lên.

Tại hội thảo, hơn 100 đại biểu tham dự đã giới thiệu về những dạng tái định cư khác nhau mà phụ nữ trên thế giới và đặc biệt là ở Việt Nam đã trải qua. Nhiều nỗ lực để lồng ghép giới vào các dự án di dời và tái định cư đã được chia sẻ và rà soát.

Những tham luận của các giáo sư, các nhà khoa học tại hội thảo là những cơ hội, thông tin và kinh nghiệm quý báu để gợi ý giúp các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt hơn công tác tái định cư và đảm bảo bình đẳng giới. Bên cạnh đó, các khuyến nghị của hội thảo về cải cách chính sách và nghiên cứu trong tương lai nhằm lồng ghép vấn đề giới trong các quy trình di dời, tái định cư ở Việt Nam sẽ được tóm tắt và giới thiệu cho các tổ chức và bộ ngành liên quan.

Hội thảo sẽ diễn ra đến ngày 14/4.

Tin, ảnh: Trung Nguyên (TTXVN)
Lấp hồ Thành Công xây nhà tái định cư: Người dân chưa được hỏi ý kiến
Lấp hồ Thành Công xây nhà tái định cư: Người dân chưa được hỏi ý kiến

Theo tìm hiểu, người dân khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình) không biết về đề xuất lấp một phần hồ Thành Công xây nhà tái định cư cho đến khi thông tin này được báo chí đăng tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN