Khó xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng

Từ ngày 1/5, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) bắt đầu có hiệu lực. Luật đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện để phòng chống tác hại thuốc lá. Thế nhưng, để luật đi vào cuộc sống thì vẫn còn lắm gian nan.

 

Công khai bán, công khai hút


Luật nghiêm cấm hút thuốc lá tại các nơi công cộng, nơi làm việc; cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, nơi vui chơi giải trí của trẻ em, trên các phương tiện giao thông công cộng và khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua bán thuốc lá; nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp đến người tiêu dùng dưới mọi hình thức... Tuy nhiên, kể từ khi luật này có hiệu lực đến nay, cả người hút và người bán vẫn rất “mù mờ” về những điều quy định trong luật.


 

Khó xử phạt người hút và người bán thuốc lá khi họ vi phạm Luật PCTHTL. Ảnh: Đan Phương

 

Tại các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh như Chợ Rẫy, Ung Bướu, Răng Hàm Mặt và các bến tàu xe, mặc dù các băng rôn, biển báo nghiêm cấm hút thuốc lá đã được treo khắp nơi, nhưng tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra như chưa hề có luật. Anh Nguyễn Hoài Phong, ngồi chờ khám cho con trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết: “Ngồi chờ khám lâu quá, tôi hút điếu thuốc cho đỡ nhạt miệng”. Khi được hỏi về quy định cấm hút thuốc lá tại những nơi công cộng thì anh lắc đầu: “Tôi không biết gì về quy định này”.


Không chỉ thế, nhiều công ty thuốc lá còn lách luật để đưa ra nhiều “chiêu” quảng cáo. Chị Tám, một người bán thuốc lá lẻ trên đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) cho biết: “Tôi bán thuốc lá do công ty trong nước sản xuất, họ còn cấp cho tôi cả tủ để trưng bày sản phẩm. Tôi chỉ bán có vài bao thuốc thì cần gì phải xin giấy phép. Ai tới mua thì mình bán, chứ tôi không quan tâm tới tuổi tác khách hàng. Tôi cũng nghe có luật về phòng chống tác hại thuốc lá nhưng tôi nghĩ chỉ áp dụng ở những cửa hàng bán thuốc lá lớn thôi”.

 

Khó xử phạt


Theo quy định, các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi phạm Luật PCTHTL là các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương; cơ quan quản lý thị trường, công an và UBND các cấp. Người vi phạm phải đến nộp tiền phạt tại các kho bạc của cơ quan đăng ký xử phạt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, luật vẫn chưa quy định rõ trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, từng cơ quan. Đồng thời, việc quy định người vi phạm đến kho bạc để đóng tiền phạt cũng không khả thi.


Bác sỹ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, cho biết: Việc xử phạt, bắt giữ người hút thuốc lá rất khó. Để dẹp được tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện, các cơ quan chức năng cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị.


Tại Hà Nội, các Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K... cũng rất khó khăn trong việc nhắc nhở, hạn chế người hút thuốc lá trong bệnh viện. Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Trọng Tài, Trưởng phòng Hành chính quản trị, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tại BV có khoảng 15.000 lượt người ra vào mỗi ngày, trong đó có khoảng 4.000 bệnh nhân ngoại trú; 3.000 bệnh nhân nội trú, mà một bệnh nhân nội trú tối thiểu có một người nhà đi chăm sóc, rồi khách đến thăm bệnh nhân, khách đến làm việc với bệnh viện... Để giám sát, ngăn chặn việc hút thuốc lá trong một khuôn viên rộng lớn như BV Bạch Mai là điều khó khăn.


Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Ngoài việc tăng cường tuyên truyền về Luật PCTHTL, Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc tại trường học, bệnh viện, công sở, trên các phương tiện giao thông công cộng... Ngành Y tế sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động VN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên... để triển khai công tác PCTHTL.

Vì vậy, theo GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai: “Để có một môi trường hoàn toàn không khói thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai thì cần có một lộ trình và có sự tham gia của toàn xã hội. Trước mắt, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về tác hại của việc hút thuốc chủ động và thụ động, vận động không hút thuốc lá, hỗ trợ người nghiện thuốc lá cai nghiện...”.


Ngoài ra, luật nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua bán thuốc lá và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi để cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi cũng khó thực thi bởi người bán không có thẩm quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy chứng minh để xác định độ tuổi, còn nếu chỉ nhìn vào khuôn mặt thì cũng khó phân biệt được tuổi tác của khách hàng.


Một trong những nguyên nhân làm cho việc chấp hành Luật PCTHTL của người dân vẫn còn kém là do nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá còn thấp và do thói quen hút thuốc lá của đại đa số người dân. Do đó, để luật thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh việc xử phạt nghiêm người vi phạm thì tuyên truyền đến người dân về những tác hại của việc hút thuốc lá cũng được xem là biện pháp hiệu quả.


Đan Phương - Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN