Kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu

Xuất phát từ việc nhận diện những thách thức trong phòng chống dịch cúm gia cầm của Việt Nam, các chuyên gia quốc tế cho rằng, chặn gia cầm nhập lậu và thay đổi tập quán chăn nuôi là những việc quan trọng hàng đầu mà Việt Nam cần phải làm để ứng phó hiệu quả trước nguy cơ xâm nhập của virút H7N9.


Các nghiên cứu của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, cả vùng đồng bằng sông Hồng của nước ta bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi của cúm gia cầm ở Trung Quốc; có nghĩa là, mầm bệnh có nguy cơ di chuyển từ Trung Quốc sang. “Trong nhiều năm qua, không chỉ gà loại thải mà gà giống, vịt giống vẫn được nhập lậu qua biên giới. Đây chính là con đường xâm nhập của virút cúm gia cầm”, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh (chuyên gia FAO) nhận định.


Thực tế cho thấy, hiện tại “bức tranh” cúm gia cầm ở các vùng của nước ta là khác nhau. Ở đồng bằng sông Cửu Long, chủng dịch cúm khá ổn định, không có sự biến đổi. Tuy nhiên, ở miền Bắc, những biến đổi của chủng cúm gia cầm lại phù hợp với những biến đổi của chủng cúm gia cầm ở Trung Quốc và chủng này lây lan ra cả khu vực miền Trung. Dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc thay đổi thì dịch cúm gia cầm ở miền Bắc và miền Trung nước ta cũng thay đổi tương tự. Cũng theo bà Minh, năm qua, dịch bệnh trên gia cầm bùng phát mạnh hơn do biến chủng virút làm giảm hiệu lực của vắcxin phòng ngừa.


Từ 2003 đến nay, Việt Nam có 123 người mắc cúm gia cầm, trong đó 61 người tử vong. Cúm gia cầm diễn biến dai dẳng là do tâm lý chủ quan của người chăn nuôi, sự lơ là của nhà quản lý, các biện pháp phòng bệnh không triệt để.

Bà Minh khuyến cáo, nếu các địa phương vùng biên không kiểm soát được việc vận chuyển gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào nội địa thì nguy cơ dịch cúm A/H7N9 lây lan từ nước này sang nước ta là rất cao.


“Một thách thức rất lớn với Việt Nam hiện nay là việc vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc sang chưa được kiểm soát triệt để”, bà Maria Peyre, chuyên viên nghiên cứu về dịch tễ học, Viện nghiên cứu và phát triển nông nghiệp của Pháp, chi nhánh tại Việt Nam, nhận định.


Bà Maria cũng cho biết thêm, Việt Nam là nước nhiệt đới, nguy cơ dịch bệnh tái phát và lây lan là rất cao. Hiện chưa thể khẳng định cúm A/H7N9 có lây từ người sang người không, nên các chuyên gia y tế vẫn phải giám sát dịch bệnh một cách chặt chẽ. Cùng với kỳ vọng tìm ra vắcxin phòng ngừa thì giải pháp trước mắt là Việt Nam phải kiểm soát để phát hiện ra ngay khi các biến thể virút này xâm nhập vào và tìm giải pháp phòng ngừa. Theo bà Maria, biện pháp phòng ngừa virút này cũng tương tự như cách phòng ngừa các loại virút cúm gia cầm trước đây.


Vì thế, việc phòng chống dịch bệnh ngay từ lúc mới phát sinh, giám sát dịch từ các làng, xã, cơ sở chăn nuôi là rất quan trọng. “Lợi thế của Việt Nam là biết nguồn gốc cúm A/H7N9 từ đâu đến. Do vậy, một trong những giải pháp phòng ngừa hiệu quả trước tiên phải ngăn chặn, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới”, bà Maria khẳng định.


Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, trên 75% dịch cúm ở người có nguồn gốc xuất phát từ động vật. Bởi vậy, về lâu dài, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là cách bền vững để phòng ngừa dịch bệnh.


Phương Liên - Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN