Người dân vùng thủy điện Đăk Đrinh: Mặc áo phao chờ lũ?

Trở lại thủy điện Đăk Đrinh (xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), sau khi các cơ quan truyền thông, trong đó có báo Tin Tức lên tiếng về mức độ an toàn của gần 1.000 người dân thì “sóng” cũng đã nổi ở nơi đây.

 

Con đường tránh ngập tuyến Đăk Đrinh vừa được tái khởi động thi công.

 

Công trình thủy điện Đăk Đrinh được khởi công năm 2007 và dự kiến trong tháng 8 này sẽ tích nước và phát điện tổ máy số 1 vào tháng 9, đến cuối năm sẽ hoàn thành khi phát điện tổ máy số 2. Mặc dù vậy, chỉ đến khi nhà máy bắt đầu tích nước vài tháng thì đầu năm 2013 các hạng mục xây dựng khu tái định cư do Ban quản lý di dân, tái định canh, tái định cư huyện Kon Plông làm chủ đầu tư mới được “khởi động”.


Đến nay, ngoài việc xây dựng nhà tái định cư chậm thì các con đường tránh ngập cũng vẫn chỉ được đầu tư xây dựng kiểu nhỏ giọt. Cả 2 tuyến đường tránh dài 14 km với thiết kế đường bê tông 4 m, cùng 2 m lề đường mặc dù đã thi công 2 năm qua nhưng đến nay tất cả chỉ mới dừng lại ở mức độ san ủi mặt đường, hệ thống cống thoát nước khi mưa về cũng chưa triển khai. Các taluy âm, dương có dấu hiệu sạt lở, nếu mưa lớn rất nguy hiểm. Trong khi đó, việc tái định cư của dân giờ chỉ còn tính từng ngày. Tại hiện trường, sáng 5/7 khi phóng viên đến tác nghiệp thì công tác sản ủi mới được tái khởi động lại ở 2 đầu tuyến.


Mưa đã về, lũ chưa thấy, nhìn bề nổi thì cuộc sống người dân ở Đăk Nên vẫn bình yên. Tuy nhiên, hàng loạt thắc mắc của người dân hỏi nhưng chưa thấy câu trả lời. “Mình biết nước lên sẽ ngập nhưng mình không nghĩ là sẽ bị cuốn trôi vì nếu thế thì người ta đã di dời dân rồi. Nhà mới mình có thấy nhưng đường còn chưa làm, đất đá tùm lum. Lên chỗ mới không biết nước sinh hoạt sẽ ra sao, đất sản xuất có tốt như xưa không, nếu không sẽ thiếu ăn”, chị Đinh Thị Ơn, thôn Xô Luông, lo lắng.


Cùng chung tâm trạng với chị Ơn, anh Đinh Văn Tá ở thôn Xô Luông cũng lo lắng trước thông tin nước lũ có thể “nuốt” cả làng. “Nếu lũ lên thì mình mặc áo phao, chạy lên cao tìm chỗ trú. Mình biết mưa là sẽ ngập nhưng giờ không thể đi đâu được vì nhà mới làm chưa xong” là lời tâm sự đầy bế tắc của anh Đinh Văn Tá trước thực trạng mùa lũ đang cận kề. Nói là vậy nhưng áo phao đâu? Con đường tránh ngập ở ngay trên nhà anh Tá giờ vẫn chỉ còn là con đường mòn vừa được cày lên, có dấu hiệu sạt lở, đất đá vương vãi khắp mặt đường...


Các cơ quan chức năng từ bộ, ngành Trung ương đến địa phương cũng như lãnh đạo tỉnh đã liên tục cảnh báo đối với công trình này như “nghiêm trọng, cấp bách”, “dân không di chuyển là gay” hay “không có đường lùi”... nhưng đến nay vẫn chưa có một động thái rõ ràng nào từ chủ đầu tư, tất cả chỉ là lời hứa “chúng tôi sẽ phối hợp tốt với địa phương và sẽ có chính sách hỗ trợ”. Ngoài ra, những biện pháp tránh lũ như chuyển ngay dân khi nhà đã xong, cho hộ dân chưa xong nhà ở phía sau... cũng chỉ là lời nói suông vì thực tế nhà vẫn đang xây. Sau nhà có “hiên” nào mà ở, còn những “cần câu cơm” lâu dài của dân như heo, bò, gia súc ai tính? Không khó hiểu khi lãnh đạo xã Đăk Nên cũng chỉ dám hứa sẽ kiến nghị, đề xuất. Trong khi chờ câu trả lời thì việc làm thiết thực nhất của chính quyền cơ sở là vận động và an dân. Con đường tránh lũ nào cho những người dân ở xã Đăk Nên khi mùa lũ đang về?


Bài và ảnh: Cao Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN