Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Nhiều dấu ấn và đóng góp lớn trong nghiệp viết

Nhân 40 năm ngày Báo Tin tức phát hành số đầu tiên (14/5/1983 - 14/5/2023), các phóng viên trẻ chúng tôi được phân công đến kính mời nhà báo Trần Mai Hạnh tham gia các sự kiện trọng đại của lễ kỷ niệm. Trả lời phóng viên từ đầu dây bên kia điện thoại là giọng nói ôn tồn: “Bác đang quá bận chuyện gia đình (vợ bác phải cấp cứu ở bệnh viện), nên chỉ gửi bài và ảnh Lễ kỷ niệm 5 năm Tuần Tin tức làm tư liệu để tòa soạn sử dụng...”. Đâu ngờ đó là lần cuối cùng phóng viên báo được trao đổi cùng cựu Phó Tổng biên tập thường trực báo Tuần Tin tức - Nhà báo, Nhà văn Trần Mai Hạnh.

Chú thích ảnh
Nhà báo, Nhà văn Trần Mai Hạnh mãi mãi là người làm nghề có nhiều đóng góp, dấu ấn trong sự nghiệp báo chí, văn học nói chung và của báo Tin tức nói riêng. Ảnh gia đình Nhà báo, Nhà văn Trần Mai Hạnh cung cấp

Nhà báo Trần Mai Hạnh thuộc thế hệ phóng viên chiến trường tiêu biểu của TTXVN. Trong 10 năm (1965 - 1975), ông làm phóng viên chiến trường tại các mặt trận, trong Nam ngoài Bắc và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Với ông, đó là những năm tháng gian khổ, ác liệt vô cùng, nhưng lại rất đáng tự hào.

Chú thích ảnh
Phóng viên VNTTX Trần Mai Hạnh (người đeo kính) và phóng viên TTXGP tại cửa ngõ Sài Gòn sáng 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Được “lịch sử lựa chọn”, phóng viên chiến trường Trần Mai Hạnh may mắn có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Chú thích ảnh
Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN (bên trái) và nhà báo Trần Mai Hạnh. Ảnh chụp ngày 21/6/2016, tại Trụ sở TTXVN.

“Thực hiện nhiệm vụ do nhà báo Đào Tùng (Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã) giao phó, trưa 30/4/1975, hai phóng viên Trần Mai Hạnh, Văn Bảo có mặt tại Dinh Độc Lập. Khi vừa tới nơi, ngay lập tức, tôi tìm hiểu các dữ kiện: Chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập lúc mấy giờ? Chiến sỹ cắm cờ quân giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập tên là gì? Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào?… Sau đó, tôi ra bến cảng Sài Gòn để viết bài tường thuật về sự kiện trọng đại...”, Nhà báo Trần Mai Hạnh từng kể lại trong hồi ức về những giây phút lịch sử.

Bài tường thuật có nhan đề “TP Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” của phóng viên Trần Mai Hạnh được đăng trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã phát đêm 30/4/1975, được đọc trong bản tin thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam trưa 1/5/1975. Sau đó, nhan đề bài tường thuật được đổi thành “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy” và đăng trang trọng trên Báo Nhân Dân số đặc biệt ra ngày 2/5/1975 chào mừng đất nước thống nhất.

Chú thích ảnh
Nhà báo Đào Tùng, Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã (giữa) tiễn hai nhà báo Trần Mai Hạnh (bên phải) và Văn Bảo tại cửa rừng Tây Ninh sáng sớm 29/4/1975 lên đường tiến về Sài Gòn. Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh gửi cho TTXVN.

Nhà báo Trần Mai Hạnh là “người Tin tức” ngay từ những ngày đầu tiên báo Tuần Tin tức ra đời. Ông luôn khẳng định mình may mắn được chọn là Thư ký tòa soạn đầu tiên của các tờ tuần báo của Thông tấn xã Việt Nam, trong đó có 12 năm (1983 - 1995) ông là Phó Tổng biên tập thường trực báo Tuần Tin tức.

Nhà báo Trần Mai Hạnh tự hào chia sẻ trong bài viết về báo nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Báo Tin tức: “Tờ tuần báo chính trị, xã hội Tuần Tin tức cùng với tờ Tin mới nhất Espana 82, Văn hoá, Thể thao Quốc tế ra đời từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. TTXVN ngày ấy đã mở ra một lối làm báo hoàn toàn khác. Đó là mua giấy theo giá tự do, in theo giá thoả thuận, bán theo giá có lãi và tự phát hành rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Nhu cầu thông tin bức thiết, chính đáng của đông đảo độc giả được đáp ứng bằng một phương thức mới, người nhận thông tin phải trả tiền cho thứ hàng hóa đặc biệt này, không chờ Nhà nước cho không”.

Chú thích ảnh
Bức ảnh quý giá về lễ kỷ niệm 5 năm ngày báo Tuần Tin tức xuất bản số đầu tiên (14/5/1983 - 14/5/1988). Nhà báo kỳ cựu Trần Mai Hạnh được giao báo cáo tóm tắt hoạt động 5 năm của Tuần Tin tức non trẻ. Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh gửi cho phóng viên báo Tin tức
Nhà báo Trần Mai Hạnh vừa qua đời đột ngột chiều 2/4 tại TP Hồ Chí Minh, khi đang trong chuyến đi thăm lại các đồng nghiệp, đồng đội làm báo ở Thông tấn xã Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông hưởng thọ 81 tuổi.

Nhà báo Trần Mai Hạnh cùng những người của thế hệ mình góp phần đưa Tuần Tin tức trở thành tờ báo đấu tranh chống tiêu cực hàng đầu. Những bài điều tra vạch trần tiêu cực, sai phạm của các đơn vị, ngành, địa phương trong cả nước liên quan tới cả uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ đăng trên Tuần Tin tức được cán bộ, nhân dân đồng lòng ủng hộ trở thành mốc son của báo Tuần Tin tức thời kỳ này.

Bên cạnh sự nghiệp báo chí, Trần Mai Hạnh cũng là một nhà văn giàu bút lực. Ông có các tác phẩm như: “Nắng Thu Bồn,” “Tình yêu và án tử hình,” “Sụp đổ và tự thú” (1985), “Ngày tận thế,” “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (2014), “Lời tựa một tình yêu,” “Thời tôi sống” (2018)…

Trong đó nghiệp viết đối với ông là những “trang nhật ký”, những “tư liệu ghi chép từ những ngày là phóng viên chiến trường” giúp ông cảm thấy “được an ủi và yên lòng phần nào, như vợi đi “món nợ” với đồng đội, chiến sĩ mà tôi luôn canh cánh bên lòng...”.

Sau này, tác phẩm lớn nhất của ông - tiểu thuyết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN 2015, được tái bản tới lần thứ 5, được dịch sang tiếng Anh với tựa đề “A war account 1-2-3-4.75”, được dịch sang tiếng Lào, trở thành sách của Nhà nước Việt Nam trao tặng nước bạn Lào. Cho tới hiện tại, tác phẩm vẫn đang được tiếp tục dịch sang ngôn ngữ khác.

Chú thích ảnh
"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75"  được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ảnh: Vnn

Tiểu thuyết lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" cũng là cơ duyên để phóng viên tới căn nhà trong ngõ nhỏ phố Nguyễn Đình Chiểu để gặp gỡ Nhà báo, Nhà văn Trần Mai Hạnh lần đầu tiên. Trí nhớ siêu việt, sức sáng tạo và hành trình dày công sưu tập tài liệu kéo dài hàng chục năm đã giúp ông có những kết nối giữa chân thực và hư cấu để làm nên cuốn tiểu thuyết lịch sử “hoàn toàn không có bóng dáng tác giả, không chen bất cứ bình luận, nhận xét gì của người viết” - như đúng con người khiêm tốn, chính xác, cẩn trọng của ông.

Chú thích ảnh
Nhà báo Trần Mai Hạnh (hàng 2, thứ 5 từ phải sang) dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày báo Tuần Tin tức ra số đầu tiên.

Nhà báo Trần Mai Hạnh đã cần mẫn “lao động trên cánh đồng chữ nghĩa” cho đến những phút cuối của cuộc đời. Ông dừng lại trên chính con đường hành quân thống nhất đất nước, ngay những ngày đầu tháng Tư. Ân cần với thế hệ sau; cẩn trọng, chu toàn với công việc chung; tha thiết với nghiệp viết, nghiêm cẩn với từng con chữ… Nhà báo, Nhà văn Trần Mai Hạnh mãi mãi là người làm nghề đáng kính với nhiều đóng góp, dấu ấn trong sự nghiệp báo chí, văn học nói chung, của báo Tin tức và TTXVN nói riêng.

Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội).

Tháng 9/1965, ông tốt nghiệp và trở thành phóng viên chiến trường trong Đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã. Trong quãng thời gian từ 1965 - 1975, ông có mặt trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc.

Ông là Đặc phái viên TTXVN tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Ông từng nhận Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; Huy chương của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); Huy chương Phêlích Enmuxa của Hội Nhà báo Cuba.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khoá VI, VII); nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, nguyên Uỷ viên Ban Lãnh đạo Liên đoàn báo chí các nước ASEAN, đại biểu Quốc hội khoá X…
Lê Sơn/Báo Tin tức
Nhà báo Trần Mai Hạnh – người cần mẫn 'lao động trên cánh đồng chữ nghĩa'
Nhà báo Trần Mai Hạnh – người cần mẫn 'lao động trên cánh đồng chữ nghĩa'

Những dịp tôi được phỏng vấn nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Phó Tổng biên tập thường trực báo Tuần Tin tức, là mỗi lần được nghe ông nói về nghề báo, nhất là những kỷ niệm của cựu phóng viên chiến trường. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN