Ngày Gia đình Việt Nam 28/6:

Nhân rộng nét đẹp văn hóa gia đình Hà Nội

Văn hóa Hà Nội xưa thường được nhắc đến với những chuẩn mực về văn hóa ứng xử và văn hóa gia đình. Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều xáo trộn do nhu cầu phát triển tất yếu về kinh tế - xã hội, song nét đẹp văn hóa gia đình vẫn lan tỏa, vừa phù hợp với những giá trị truyền thống, vừa thích ứng với đời sống hiện tại.

Chú thích ảnh
Gia đình công nhân Nhà máy đèn Yên Phụ, Hà Nội chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi (1959). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Vun đắp văn hóa gia đình và cộng đồng

Ở phố Tôn Thất Thiệp, phường Điện Biên, quận Ba Đình, mọi người đều biết tới gia đình bà Trương Thị Diễm Phương với lối sống mẫu mực, sống hòa thuận, có khuôn phép. Gia đình có ba thế hệ chung sống cùng nhau, vì thế ông bà luôn ý thức nêu gương để con cháu noi theo. Dù cuộc sống bộn bề công việc, cùng với những mệt mỏi nhưng đều được hóa giải bởi sự chu đáo, yêu thương, tận tình và chia sẻ. Cũng chính vì vậy, các con cháu của ông bà đều ngoan ngoãn, nghe lời, sống hiếu thuận với bố mẹ, anh chị em. Ông bà luôn tích cực với công tác xã hội, tham gia phong trào gìn giữ vệ sinh môi trường, tổng vệ sinh sáng thứ Bảy hàng tuần, bóc xé quảng cáo rao vặt, trang trí hoa cây cảnh trên các tuyến phố.

Bà Trương Thị Diễm Phương còn chia sẻ, trước đại dịch COVID-19 lan rộng, gia đình bà đã ủng hộ nguồn nhu yếu phẩm gồm: Dầu ăn, mì chính nước mắm, bột nêm, mì tôm trị giá 5 triệu đồng cho những nơi chịu tác động nặng nề của dịch. Bà cùng các thành viên trong gia đình nhắn tin ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Là tổ trưởng dân phố, bà thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con trong tổ thực hiện thông điệp 5K, đồng thời quyên góp hơn 10 triệu đồng vào Quỹ phòng, chống dịch.

Không chỉ gia đình bà Trương Thị Diễm Phương, trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều các gia đình văn hóa tiêu biểu, có lối sống đẹp trong gia đình và tích cực đóng góp cho cộng đồng. Đó là, gia đình bà Hoàng Thị Bảy, ngõ 104 Yên Lãng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa; gia đình ông Vũ Thiện Cơ ở Tổ dân phố Hoàng 17, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm; gia đình bà Đặng Thị Ngãi, thôn Hướng Xá, xã Quất Động, huyện Thường Tín; gia đình ông Phạm Tiến Vượng thôn Phù Mã, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn...

Đây là các gia đình luôn mẫu mực trong nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm; chăm sóc, giáo dục con cháu chu đáo, ngoan ngoãn, lễ phép. Với cộng đồng, họ luôn vận động mọi người nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, tích cực dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm để khu dân cư luôn sạch đẹp. Khi hàng xóm gặp khó khăn, họ cùng chung tay giúp đỡ, tạo mối đoàn kết, chân tình. Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các gia đình luôn tích cực ủng hộ, kêu gọi mọi người tương thân tương ái, giúp đỡ những nơi bị phong tỏa, cách ly. Các phong trào khác như: thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, tham gia gìn giữ an ninh trật tự tại địa phương... đều được các gia đình tham gia nhiệt tình.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, gia đình bà Nguyễn Thị Tâm ở Tổ dân phố Quyết Tiến, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông là một trong những gia đình tiêu biểu trong giữ gìn và phát triển nghề dệt lụa truyền thống quê hương. Cơ sở dệt lụa của gia đình bà Tâm đã phục chế thành công hơn 20 sản phẩm lụa vân quý hiếm, 18 bộ triều phục cung đình Huế, dệt lại nguyên mẫu bức rèm cửa phòng khách của Bác Hồ tại Khu di tích Phủ Chủ tịch... Hay gia đình bà Lê Thị Thúy ở số 20/28/20 đường Kim Giang, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân thành lập Công ty Thương mại và Du lịch Về Nguồn, tạo việc làm cho các cháu khu dân cư số 6, trong đó có những cháu có hoàn cảnh khó khăn, cả cháu từng vi phạm pháp luật, ra tù muốn được hoàn lương... Đây là những nhân tố tích cực trong phong trào xây dựng Gia đình văn hóa tiêu biểu mà Hà Nội triển khai trong nhiều năm qua.

Nhân rộng nét đẹp văn hóa

Chú thích ảnh
Cả gia đình cùng tham gia kéo co - một trò chơi dân gian mang đậm tính đoàn kết tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam (2014) . Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Thành phố Hà Nội luôn quan tâm công tác gia đình, để mỗi gia đình là một tế bào tạo nên sự bền vững của xã hội. Ngành Văn hóa tích cực triển khai chương trình “Xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, triển khai Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, các hoạt động về phòng chống bạo lực gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc... Công tác tuyên truyền thực hiện với nhiều hình thức phong phú, nhằm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Hà Nội, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, tình trạng ly hôn, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Theo ông Ngô Văn Nam, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, công tác xây dựng gia đình văn hóa là một nội dung quan trọng, được xác định là yếu tố hàng đầu trong việc xây dựng các hình mẫu văn hóa khác. Bởi vậy, ngành Văn hóa triển khai nhiều hoạt động trong xây dựng gia đình văn hóa; lồng ghép các hoạt động công tác gia đình trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đưa tiêu chí gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa làm tiêu chuẩn đánh giá, bình xét; xây dựng nhiều mô hình điểm.

Ngoài việc lựa chọn quận Thanh Xuân và huyện Ba Vì thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” theo chương trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lựa chọn 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Thạch Thất, Sóc Sơn, Phúc Thọ để triển khai tiếp và sẽ tiếp tục thực hiện ở các quận, huyện khác. Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai ở các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Thường Tín, Quốc Oai... Tất cả 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội tổ chức hàng trăm hoạt động, lồng ghép phối hợp truyền thông, giáo dục và vận động cộng đồng dân cư tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, từng bước đi vào chiều sâu thông qua nhiều hoạt động phong phú.

Ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai cho biết, công tác gia đình trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ, hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức các hội diễn văn nghệ, tọa đàm gặp mặt giao lưu, biểu dương người tốt - việc tốt, sinh hoạt các câu lạc bộ để tuyên truyền chủ trương, các kế hoạch về gia đình. Người dân ý thức hơn trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, trách nhiệm với cộng đồng. Toàn huyện Quốc Oai có gần 96% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa 3 năm liên tục đạt tới 70%.

Ngành Văn hóa Hà Nội luôn đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục các thành viên có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái, thủy chung, kỷ cương để xây dựng gia đình thuận hòa, hạnh phúc, tiến bộ góp phần xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đinh Thuận (TTXVN)
Xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Kế hoạch xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN