Nhiều người ngạc nhiên với việc điền số chứng minh thư khi kê đơn cho trẻ em dưới 6 tuổi

Người dân chỉ phải khai số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân khi bác sĩ kê đơn cho trẻ dưới 6 tuổi, đơn thuốc đã kê đúng quy định sẽ được chấp nhận ở bất kỳ hiệu thuốc nào mà cha mẹ không phải trình chứng minh thư nữa.

Theo ghi nhận của phóng viên sáng ngày 2/3 tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, nhiều bệnh viện vẫn chưa thực hiện việc đưa số chứng minh thư của kê đơn thuốc cho trẻ theo quy định mới của Bộ Y tế.

Tại Khoa khám bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều người vẫn chưa biết đến quy định phải mang chứng minh thư theo khi đưa trẻ đi khám.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, việc khám, kê đơn và mua thuốc cho bệnh nhân vẫn diễn ra như thường lệ, chưa có gì thay đổi, nhiều cha mẹ của trẻ cũng chưa biết đến quy định này khi đưa con đến bệnh viện khám bệnh.

Các em bé vẫn được khám, kê đơn như bình thường.

Đơn thuốc chưa có phần dành cho ghi số chứng minh nhân dân của cha mẹ, người thân bệnh nhi.

Bệnh nhi Nguyễn Thanh T. (12 tháng tuổi) ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) được gia đình cho lên bệnh viện Nhi Trung ương khám hạch ở cổ đã xong và được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị ngoại trú. Mẹ bé T. cho biết: “Lúc khám bệnh và kê đơn thuốc cho cháu, tôi chưa thấy bác sĩ yêu cầu trình chứng minh thư hay hỏi số chứng minh thư, cháu vẫn được khám bình thường như mọi khi”.

Nhiều cha mẹ cho rằng, việc phải mang theo chứng minh thư khi đưa trẻ đi khám là thêm thủ tục rắc rối.

Nhiều người cho con đi khám vẫn chưa biết quy định mới.

Khi được giải thích về quy định mới của Bộ Y tế, vị phụ huynh này cho rằng: “Yêu cầu mang theo chứng minh thư để điền thông tin vào đơn thuốc có thể sẽ rắc rối cho bệnh nhân vì nhiều trường hợp trẻ con bị bệnh, cha mẹ phải bế vội đi khám ngay, chứ không nghĩ gì đến việc mang theo chứng minh thư hay giấy tờ của bố mẹ. Nhất là những người ở xa bệnh viện như chúng tôi chẳng lẽ lại phải quay về để lấy lên con mới được kê đơn thuốc?”


“Hiện nay việc đến bệnh viện đăng ký khám bệnh đã có nhiều thủ tục, bố mẹ cũng đã phải khai các thông tin về địa chỉ, nơi ở cụ thể của trẻ nên việc phải bắt buộc mang theo chứng minh thư của bố mẹ để khai vào đơn thuốc của trẻ có thể gây bất tiện khi đưa trẻ đi khám bệnh”, chị Nguyễn Hoài Thu (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn, các hoạt động kê đơn, mua thuốc chưa có gì thay đổi.

Còn tại bệnh viện Đa khoa Xanh pôn, các vị phụ huynh đưa con nhỏ đến khám trong ngày 2/3 cũng chưa phải khai số chứng minh thư theo quy định mới.


“Đối với việc phải khai thêm giấy tờ theo quy định mới, các bệnh viện cần phổ biến để người dân nắm rõ để tránh gây phiền hà khi đưa trẻ đến khám. Theo tôi việc cha mẹ và người thân mang thêm giấy chứng minh thư theo để khai vào đơn thuốc cũng không có gì là quá khó khăn nếu việc này giúp kiểm soát tốt việc dùng thuốc của trẻ, tuy nhiên cũng cần linh động theo hướng ai cho trẻ đi khám thì khai thông tin của người đó để đỡ mất thời gian”, chị Trần Thị Thu (phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết.


"Quy định thì phải thực hiện nhưng việc bắt buộc người dân phải trình chứng minh thư mới được kê đơn thuốc chắc chắn nhiều người sẽ có phản ứng; nhất là trong trường hợp đứa trẻ đang bị ốm, quấy khóc, người thân lại quên chứng minh thư ở nhà hoặc bị mất chứng minh thư thì bác sĩ cũng sẽ gặp khó trong việc giải thích để người dân hiểu trong những trường hợp này", một bác sĩ băn khoăn.


Theo ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế): Theo thông tư 52/2017/ TT-BYT, bắt buộc từ ngày 1/3 tất cả các bệnh viện phải thực hiện ghi số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ vào đơn thuốc của trẻ dưới 72 tháng tuổi. Các bệnh viện chưa thực hiện theo quy định mới là chưa đúng, Bộ Y tế sẽ thanh kiểm tra về việc thực hiện theo quy định mới này. Còn trong quá trình thực hiện theo quy định mới, nếu có những bất cập chúng tôi sẽ xem xét để chỉnh sửa cho phù hợp.


Cũng theo ông Thái, việc ghi thêm số chứng minh thư với đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ mất thêm một chút thời gian khám, chữa bệnh của người người dân và bác sĩ; nhưng đây là việc hoàn toàn cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn; đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay. Cũng có thể xuất hiện một vài trường hợp phát sinh song đa số trẻ dưới 6 tuổi đều được bố, mẹ và người thân đi khám nên việc ghi số chứng minh thư không có gì là quá khó khăn.


“Việc nhiều người cho rằng sẽ phải trình chứng minh thư khi đi mua thuốc cho trẻ là chưa đúng. Nếu đã có đơn thuốc đảm bảo ghi đúng thông tin theo quy định thì có thể mua thuốc tại bất kỳ hiệu thuốc nào. Các nhà thuốc cũng có trách nhiệm phải sao lưu lại các đơn thuốc để phục vụ cho quá trình thanh, kiểm tra, giám sát để tranh việc một đơn thuốc được sử dụng nhiều lần. Về lâu dài, khi triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin để mã hóa các đơn thuốc, việc quản lý sử dụng thuốc sẽ dễ dàng hơn nhiều”, ông Thái cho biết.


Linh Linh/Báo Tin tức
Tái khám ở bệnh viện tuyến trên có phải xin giấy chuyển viện?
Tái khám ở bệnh viện tuyến trên có phải xin giấy chuyển viện?

Bạn đọc hỏi: Tôi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến tỉnh, vừa rồi bác sĩ cho tôi giấy chuyển viện lên bệnh viện tuyến trên để khám và điều trị. Ra viện, bệnh viện có hẹn 1 tuần sau đến tái khám. Vậy tôi có cần xin lại giấy chuyển viện?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN