‘Nóng’ ngày 10/9: Các bị cáo vụ án tại Đồng Tâm nói lời sau cùng; đình chỉ giáo viên tát học sinh

Trong ngày 10/9, dư luận quan tâm tới xét xử vụ án tại Đồng Tâm với việc Viện Kiểm sát đối đáp quan điểm bào chữa của luật sư; Bắt giữ hai đối tượng tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép, tạm đình chỉ lên lớp đối với cô giáo tát học sinh...

Bế mạc Đại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41

Trưa 10/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 41 đã bế mạc sau ba ngày làm việc theo hình thức trực tuyến.

Đại hội đồng AIPA 41 có chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.

Đọc diễn văn bế mạc Đại hội đồng AIPA 41, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau ba ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi với tinh thần hữu nghị, hiểu biết, tin cậy và trách nhiệm của những người đại diện cho nhân dân, Đại hội đồng AIPA 41 đã hoàn thành 6 phiên họp, trao đổi thẳng thắn, bổ ích về những vấn đề chung của ASEAN và AIPA. Đại hội đồng AIPA 41 đã hoàn thành tốt đẹp các nội dung đã đề ra trong Chương trình nghị sự.

Cùng với những kết quả đã đạt được của những Đại hội đồng trước đây, Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 là bước tiến quan trọng tiếp theo để AIPA tiếp tục thực hiện tôn chỉ, mục đích cao cả của mình, đó là thúc đẩy đoàn kết, hiểu biết, hợp tác, quan hệ chặt chẽ giữa các Nghị viện các nước thành viên ASEAN và đồng hành cùng Chính phủ các nước ASEAN trong tiến trình xây dựng một Cộng đồng vì hòa bình, ổn định và lợi ích của mọi người dân. Các Nghị quyết được thông qua và các cuộc trao đổi đã nêu bật vai trò quan trọng của Nghị viện tham gia vào tiến trình thực hiện những cam kết để bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng và bền vững, vì lợi ích của mọi người dân trong Cộng đồng ASEAN.

Đại hội đồng nhận thức rằng tình hình chính trị, an ninh trên thế giới và khu vực có những chuyển biến phức tạp, nhanh chóng. Các quốc gia phải đối mặt với những vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, cùng đại dịch COVID-19 là những thách thức cho quá trình phát triển của mỗi quốc gia.

Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp bách của AIPA là phải tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết, phát triển ngoại giao nghị viện, tuân thủ các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế, của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, để cùng nhau xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, của người dân, vì người dân, lấy người dân làm trung tâm, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không có hành vi gây phương hại tới môi trường hòa bình và ổn định trên mọi phương diện. Hòa bình và an ninh bền vững là nền tảng căn bản cho sự phát triển thịnh vượng và lâu dài, vì vậy, AIPA luôn đề cao việc tăng cường quan hệ đối tác, đối thoại với ASEAN trên nhiều cấp độ.

Đến chiều 10/9, thêm một ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19

Đến chiều 10/9, Việt Nam có 1 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, tổng số mắc vẫn là 1.059 ca.

Tính đến 18 giờ ngày 10/9, Việt Nam có tổng cộng 1.059 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 36.126 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 621 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.874 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 19.631 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 10/9, có thêm 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là: BN443, BN868; 1 bệnh nhân là BN969 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Xét xử vụ án tại Đồng Tâm: Viện Kiểm sát đối đáp quan điểm bào chữa của luật sư

Ngày 10/9, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tiếp tục với phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đối đáp với những quan điểm bào chữa của các luật sư đưa ra.

Tại phiên tòa, một số luật sư đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để tiến hành điều tra bổ sung vì cho rằng quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra chưa tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định các chiến sĩ công an ngã xuống hố trong hoàn cảnh nào, nguyên nhân tử vong của 3 cán bộ, chiến sĩ công an theo kết luận giám định có ngạt khí CO2, nghi ngờ việc đổ xăng của các bị cáo có gây ra hậu quả chết người hay không, hay còn có nguyên nhân nào khác…

Chú thích ảnh
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội nêu quan điểm về vụ án tại phiên tòa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về nội dung này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, ngay sau khi nhận được tin báo xảy ra vụ án, Viện Kiểm sát đã cử kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường để cùng điều tra viên ghi nhận, thu thập dấu vết và xác định diễn biến 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh là rõ ràng. Nội dung bản kết luận giám định đã kết luận nguyên nhân tử vong của 3 cán bộ, chiến sĩ phù hợp với lời nhận tội của bị cáo Lê Đình Chức thừa nhận chọc tuýp sắt tấn công, sau đó 3 chiến sĩ bị rơi xuống hố đã bị đổ xăng thiêu chết một cách dã man. Hành vi của các bị cáo là đúng với chứng cứ đã được công khai tại phiên tòa; được các bị cáo: Chức, Doanh, Công, Tiến có mặt tại hiện trường thừa nhận và đã khai rất rõ trong quá trình điều tra cũng như trong phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa. Căn cứ Điều 190 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định việc thực nghiệm điều tra chỉ đặt ra khi thấy cần thiết, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định đề nghị nêu trên của một số luật sư là không cần thiết và không thể chấp nhận.

Trong phần tranh tụng, một số luật sư đặt câu hỏi về nguồn gốc các clip trình chiếu tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cho biết những clip này được lấy từ 2 nguồn: Một nguồn công khai do các cơ quan báo chí, phóng viên phỏng vấn và đã công chiếu trên truyền hình cho nhân dân cả nước đều biết, có giá trị chứng minh nên Cơ quan điều tra đã thu thập; một nguồn khác được thực hiện trong quá trình hỏi cung, ghi lời khai của các bị cáo theo quy định tại Điều 183 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, có thể ghi âm, ghi hình song song với ghi lời khai trong các bút lục của hồ sơ.

Liên quan đến hành vi của nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh tính đồng phạm trong vụ án này. Cụ thể, các bị cáo đã tiếp nhận ý chí và thực hiện việc chuẩn bị công cụ, phương tiện từ trước đó rất nhiều ngày và trực tiếp tham gia tấn công lực lượng chức năng. Đối với nhóm bị cáo này, đại diện Viện Kiểm sát đã phân loại, xem xét các tình tiết giảm nhẹ và đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc khi lượng hình.

Về tội danh và mức hình phạt đối với các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát cũng mong Hội đồng xét xử xem xét đề nghị thay đổi tội danh của Viện Kiểm sát cho 19 bị cáo; đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục xem xét giảm nhẹ hình phạt hơn nữa cho các bị cáo, thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với những người trót lầm lỡ phạm tội.

Sau khi phiên tòa kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng tại Tòa, trước khi Hội đồng xét xử nghị án.

Nói lời sau cùng, hầu hết các bị cáo đều xin lỗi gia đình của 3 cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh. Các bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đồng thời xin Hội đồng xét xử xem xét, quyết định mức án thấp để các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, chăm sóc gia đình, trở thành công dân có ích cho xã hội. Các bị cáo cũng đề nghị các luật sư không tiếp tục thực hiện bào chữa cho mình nữa.

Khi nói lời sau cùng, bị cáo Lê Đình Công vẫn cho rằng trong quá trình xảy ra vụ án vào đêm 8/1, rạng sáng 9/1/2020, bị cáo không bàn bạc với ai, không giao nhiệm vụ, không chỉ đạo ai thực hiện. Về sự hy sinh của 3 cán bộ, chiến sĩ công an, bị cáo Công nói hoàn toàn không hay biết gì; sau khi biết, bị cáo vô cùng hối hận. Bị cáo Lê Đình Công bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi, xin chuyển tội danh từ “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ”, hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước, của pháp luật.

Bị cáo Lê Đình Chức cũng gửi lời xin lỗi đến gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ đã vì các bị cáo mà hy sinh. Bị cáo Chức bày tỏ, cho dù bị cáo được trở về hay không thì lương tâm bị cáo đã được thanh thản phần nào. Bị cáo Chức xin Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh gia đình, bố bị cáo (Lê Đình Kình) đã mất, con nhỏ mới sinh để tha thứ cho bị cáo.

Chia sẻ nỗi đau với gia đình bị hại, bị cáo Lê Đình Doanh cho biết, thời gian qua lương tâm bị cáo đã cắn rứt rất nhiều. Bị cáo đã nhận thức rõ hành vi tội lỗi của mình và xin được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, được trở về, làm công dân có ích cho gia đình và xã hội.

15h ngày 14/9, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.

Bắt giữ hai đối tượng tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép

Ngày 10/9, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ hai đối tượng là Phan Văn Mười (sinh năm 1976, trú tại Cửa Lò, Nghệ An) và Vũ Thị Vân (sinh năm 1980, trú tại Diễn Châu, Nghệ An) về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2020, Phan Văn Mười và Vũ Thị Vân đã móc nối với một đối tượng ở Indonesia để tổ chức cho 17 người Việt Nam xuất cảnh sang Indonesia theo diện đi du lịch rồi sau đó tìm cách vượt biển, xâm nhập trái phép sang Australia với chi phí từ 15.000 - 30.000USD/người.

Khi đưa người đến được Jakarta, Thủ đô của Indonesia, Mười và Vân thu tiền cọc mỗi người 2.000 USD và tiếp tục đưa những người này đến Makassar, Indonesia để đợi tàu biển đón sang Australia. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và không tìm được tàu lớn vượt biển, có 6 người trong đoàn đã từ bỏ ý định đến Australia và quyết định hồi hương; còn lại 11 người đồng ý sang Australia bằng thuyền nhỏ. Trong quá trình vượt biển, do thuyền bị hỏng máy, trôi dạt vào vùng biển Đông Timor nên những người này đã bị lực lượng chức năng sở tại bắt giữ.

Riêng Mười và Vân sau khi thực hiện việc đưa người đến Indonesia, cả hai đã trở về Việt Nam.

Qua quá trình điều tra, theo dõi, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ Phan Văn Mười và Vũ Thị Vân để điều tra, làm rõ hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Hiện vụ việc đang được lực lượng Công an Quảng Bình tiếp tục củng cố hồ sơ, điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tạm đình chỉ lên lớp đối với cô giáo tát học sinh

Chiều 10/9, ông Phạm Văn Bắc, Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết, ngay sau vụ việc cô giáo tát học sinh lớp 4 xảy ra ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, nhà trường đã có quyết định tạm đình chỉ đối với giáo viên này.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã ký Quyết định tạm đình chỉ đối với cô giáo Lê Thị Thu Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A3 không trực tiếp lên lớp giảng dạy từ chiều 8/9/2020 đến hết ngày 15/9/2020.

Trước đó, sáng 7/9/2020, cô Lê Thị Thu Hằng chủ nhiệm lớp 4A3, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện Bắc Quang (Hà Giang) trong quá trình giảng dạy trên lớp có học sinh mất trật tự, nhắc nhở nhiều lần nhưng không được, cô Hằng bức xúc quát mắng và đã có hành vi tát vào má nữ học sinh tên Tr, đồng thời đánh vào tay 5 em học sinh khác cùng lớp.

Sự việc xảy ra phụ huynh em Tr có đăng thông tin lên trên trang Facebook cá nhân và được lan truyền trên mạng xã hội.

XC/Báo Tin tức
Hướng chọn nghề gắn với việc làm
Hướng chọn nghề gắn với việc làm

Sau khi điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 công bố, nhiều trường cao đẳng và trung cấp cũng tiến hành đợt nhập học. Điểm dễ nhận thấy trong kỳ tuyển sinh các trường cao đẳng, trung cấp năm nay là việc lựa chọn nghề gắn với việc làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN