Ứng phó với bão số 4:

Quảng Nam lên phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn

Tiếp tục chuyến công tác tại Quảng Nam, chiều 26/9, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thị sát bờ kè chống sạt lở Cửa Đại, thành phố Hội An và nghe báo cáo công tác ứng phó của tỉnh với bão số 4 (bão NORU).

Chú thích ảnh
Tỉnh Quảng Nam kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè, hoàn thành công việc này trước 12h ngày 27/9. 

Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã kiểm tra công tác an toàn hồ đập tại một số công trình thủy lợi, hồ chứa có dung tích lớn của tỉnh Quảng Nam.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, đến thời điểm này tất cả các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện, thành phố ven biển đã lên phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Tỉnh kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè, hoàn thành công việc này trước 12h trưa mai (27/9). Toàn tỉnh có có 73 hồ chứa thủy lợi, tất cả đề đã được kiểm tra an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão và phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Quảng Nam trong công tác ứng phó với bão số số 4 được dự báo là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm qua. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhằm khắc phục tình trạng chủ quan đối với thiên tai khó lường trước trong một bộ phận nhân dân để hạn chế những rủi ro đáng tiếc.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, thành phố Hội An đã xây dựng và yêu cầu tất cả các địa phương, ban, ngành, đơn vị của thành phố thực hiện nghiêm các nhóm vấn đề chính. Toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn, kể cả tàu thuyền của ngư dân ở ven bờ và trên xã đảo Cù Lao Chàm. Vận động nhân dân thu hoạch nhanh toàn bộ thủy sản nuôi trồng và hoa màu để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra. Tập trung cắt tỉa cây xanh, cây có tán lá rộng trên các tuyến phố, công sở, trường học. Rà soát lại toàn bộ các phương án di dời dân theo cấp độ rủi ro thiên tai cao nhất; tập trung vào các khu vực cửa sông, ven biển, nhất là những khu vực có khả năng nước biển dâng cao.

“Thành phố Hội An cũng đã lên phương án cụ thể đối với việc di chuyển người dân ở những khu vực xung yếu, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng của thiên tai và khu vực có nguy cơ nước biển dâng cao đến nơi ở an toàn. Toàn bộ công tác vận động và di chuyển người từ những nơi có nguy cơ rủi ro cao đến nơi ở an toàn sẽ hoàn thành trước 9h sáng 27/9 theo chỉ thị của UBND tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An thông tin thêm.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội biên phòng Quảng Nam chia sẻ: Là một trong những lực lượng đi đầu trong công tác phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai và giúp đỡ nhân dân trong mùa mưa bão, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về diễn biến của bão số 4 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tất cả các đồn biên phòng tuyến biển và hải đảo đều huy động tối đa lực lượng và phương tiện, thiết bị để giúp đỡ người dân các địa phương gia cố nhà cửa, lên các phương án cụ thể để di dời dân đến nơi an toàn khi bão đổ bộ vào đất liền và nước biển dâng cao. Những đơn vị được lãnh đạo bộ chỉ huy bộ đội biên phòng chỉ định làm nơi đón tiếp người dân đến ở tạm trong những ngày mưa bão đã chuẩn bị đầy đủ các phương án về chỗ ở và lương thực, thực phẩm, nước uống hợp vệ sinh, thuốc chữa bệnh để cung cấp cho người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Đến thời điểm này tất cả các phương án di dời dân ở xen ghép và ở tập trung ở những nơi an toàn cũng như phương án cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh đều được tỉnh Quảng Nam lên kế hoạch cụ thể, bài bản. Đến 9h sáng 27/9, địa phương sẽ hoàn thành công tác di chuyển dân đến nơi an toàn. Hiện Quảng Nam còn 12 tàu cá của ngư dân còn trong vùng nguy hiểm và được thường xuyên liên lạc, hướng dẫn để chạy về phía Nam và chạy vào bờ để tránh bão. Riêng 1 tàu ở vùng biển nguy hiểm nhất, sẽ về đến nơi trú ẩn an toàn vào sáng 27/9.

Với sự vào cuộc một cách quyết liệt, đầy trách nhiệm, không chủ quan của cả hệ thống chính trị và của nhân dân với các phương án cụ thể, sát với thực tế và phù hợp với điều kiện của từng địa phương, Quảng Nam sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4 gây ra.

Tin, ảnh: Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Bão Noru có xu hướng mạnh thêm, có thể gây gió giật cấp 16
Bão Noru có xu hướng mạnh thêm, có thể gây gió giật cấp 16

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão số 4 (bão Noru) ở trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580 km về phía Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN