Sau 3 năm, nhiều nhà khu tái định cư bỏ hoang, dân thiếu nước trầm trọng

Gần 30 hộ dân tái định cư Gò Hiu, thuộc xã Ðại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Người dân vùng tái định cư vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn. Ảnh: baoquangnam.vn

Để giúp các hộ dân trong vùng sạt lở nghiêm trọng ven sông Vu Gia về nơi định cư mới an toàn, năm 2015, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, đã di dời gần 30 hộ dân của một số thôn ở xã Đại Lãnh về khu tái định cư Gò Hiu, thuộc xã Ðại Lãnh. Do sự cẩu thả trong việc lựa chọn địa điểm tái định cư của những người có trách nhiệm nên gần 30 hộ dân tái định cư để tránh sạt lở bờ sông, nay phải đối mặt với tình trạng sạt lở núi và thiếu nghiêm trọng nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Gần 3 năm về khu tái định cư, tưởng chừng sẽ có chỗ ở ổn định để yên tâm sản xuất thì nhiều hộ thuộc diện tái định cư phải đối mặt với nhiều khó khăn mới. Cũng do bất cập nhiều mặt nên hiện tại nhiều nhà ở của người dân khu tái định cư Gò Hiu, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, phải khóa kín cửa hoặc bị bỏ hoang. Cỏ dại mọc vây quanh nhiều căn nhà mới vừa xây dựng chưa đến 3 năm, chủ nhân của những ngôi nhà này đã quay về nơi ở cũ.

Người dân những hộ còn lại cho biết, khi chuyển đến nơi ở mới, mỗi hộ tái định cư được hỗ trợ 20 triệu đồng và một lô đất rộng 200m2 để làm nhà ở. Nhà đã được dựng lên, nhưng sau 2 mùa mưa liên tiếp, ngọn đồi sau lưng dãy nhà tái định cư bị lở nặng, đất đá trôi vào nhà dân khiến họ sống trong nơm nớp lo sợ.

Là một trong những hộ vừa thoát cảnh sạt lở bờ sông đe dọa đến tính mạng và nhà cửa, nay phải đối mặt với tình trạng sạt lở núi, ông Trương Văn Kiểm, khu dân cư Gò Hiu cho hay: Tình trạng sạt lở núi phía sau khu tái định cư diễn ra từ 2 năm qua. Người dân đã làm nhà ở trong khu tái định cư nhưng vì lo sợ tình trạng sạt lở núi nên nhiều người quay về chỗ ở cũ.

Không chỉ lo sạt lở núi, hơn 2 năm nay, hầu hết các hộ dân ở khu tái định cư Gò Hiu sống trong cảnh thiếu nước sạch nghiêm trọng. Mặc dù các hộ tái định cư tại Gò Hiu đều có giếng khoan, nhưng đất Gò Hiu là đất cao lanh, nước bơm lên có vị chua và không sử dụng được.

"Trước mối hiểm nguy vì tình trạng sạt lở núi cộng với khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, nhiều gia đình ở khu tái định cư Gò Hiu đã bỏ đi, hiện tại chỉ còn một số ít hộ bám trụ tại khu tái định cư vì chẳng biết đi đâu về đâu", ông Trương Văn Kiểm chia sẻ.

Ông Ngô Xuân Yến, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, cho biết: Trước bức xúc của người dân Gò Hiu, lãnh đạo huyện nhiều lần kiểm tra thực tế, chính quyền xã Đại Lãnh cũng đã nhiều lần kiến nghị phương án, kinh phí san ủi nửa quả đồi còn lại để đảm bảo an toàn cho dân. Trước mắt, UBND huyện Đại Lộc giao các đơn vị khẩn trương tìm kiếm nguồn nước sạch để cung cấp nước cho người dân khu tái định cư, đồng thời lập phương án xây bờ kè gia cố chống sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, việc kè gia cố bờ chống sạt lở phải chờ đến năm 2019 mới có thể triển khai.

Trước những bất cập và bức xúc của người dân khu tái định cư Gò Hiu, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, nguyên nhân khiến khu tái định cư Gò Hiu không đạt kết quả như mong đợi là việc lựa chọn vị trí không phù hợp. “Người dân ở vùng sạt lở bờ sông được đưa đến khu tái định cư để an toàn, nhưng lại đối mặt với nguy hiểm sạt lở núi. Nguyên nhân là do khâu khảo sát chọn vị trí ban đầu chưa phù hợp, chưa đúng”, ông Hồ Ngọc Mẫn xác nhận.

“Trước mắt huyện sẽ tập trung giải quyết vấn đề về nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Về tình trạng sạt lở, hiện nay đã vào mùa mưa nên không thể thực hiện được, đầu năm 2019, huyện sẽ đầu tư xây dựng kè chống sạt lở để ngăn chặn tình trạng sạt lở núi đe dọa đến sự an toàn của người dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết thêm.

Sự cẩu thả trong việc lựa chọn địa điểm tái định cư, không tham khảo ý kiến của người dân là nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập của khu tái định cư Gò Hiu. Tuy UBND huyện Đại Lộc và chính quyền xã Đại Lãnh đang tích cực khắc phục các hệ lụy, nhưng trong mùa mưa năm nay các hộ dân ở Gò Hiu vẫn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản và thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Mặn xâm nhập, người dân thành phố Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt
Mặn xâm nhập, người dân thành phố Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt

Giữa mùa mưa năm 2018, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng kéo dài gây khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN