Sụt lún, sạt lở gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng tại huyện U Minh Thượng

Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng Dương Quốc Khởi cho biết: Theo thống kê ban đầu, tình trạng sụt lún, sạt lở đất trên địa bàn huyện đã gây tổng thiệt hại hơn 60 tỷ đồng về đường giao thông, cầu bê tông nông thôn, nhà ở của người dân…

Chú thích ảnh
Cầu giao thông nông thôn đường tỉnh 965 (đường đê ngoài), ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) bị sụt lún, sạt lở. 

Đến nay, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) ghi nhận 215 điểm sụt lún, sạt lở với tổng chiều dài 6.567 m, gồm hơn 5.000 m sạt lở và trên 1.560 m rạn nứt, nguy cơ sạt lở cao; trong đó, đường Tỉnh 965 (đê bao ngoài) có 28 điểm, tổng chiều dài 645 m và đường giao thông nông thôn có 187 điểm, tổng chiều dài 5.922 m, tập trung trên địa bàn 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận.

Tiếp đến, nhà ở của dân đã thiệt hại 13 căn, xã An Minh Bắc 9 căn và xã Minh Thuận 4 căn, ước thiệt hại hơn 2,1 tỷ đồng. Qua khảo sát, thống kê có 437 căn nhà ở dọc theo các tuyến kênh của các hộ dân, nhà có nguy cơ sạt lở cao trong thời gian tới 57 căn cần phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn để tránh thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

Mặt khác, đối với diện tích nuôi tôm càng xanh trong khu vực vùng đệm của huyện khoảng 750 ha của 274 hộ dân, thời gian thả nuôi từ 2 - 3 tháng trước nguy cơ thiếu nước cấp vào ao đầm do nước ở các tuyến kênh hiện nay đã khô cạn, không có nguồn nước bơm bổ sung.

Hiện nay, 21 tuyến kênh rạch trên địa bàn huyện chỉ còn duy nhất tuyến Kênh 8, xã Minh Thuận chưa xuất hiện sụt lún, sạt lở đất. Điều quan ngại nhất là khi xuất hiện những cơn mưa lớn đầu mùa thì khả năng sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn, nhất là những đoạn, tuyến đường đang bị rạn nứt.

Theo lãnh đạo huyện U Minh Thượng, mùa khô 2023 - 2024 đến sớm và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm, dự báo mùa mưa năm 2024 trễ, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh rất cao. Ngay từ đầu năm, huyện triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô. Cụ thể là quản lý, vận hành các cống thủy lợi, đắp đập ngăn mặn khu vực vùng đệm, thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở… đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô.

Tuy nhiên, huyện có diện tích sản xuất hoa màu, cây ăn trái… khá lớn, nhu cầu sử dụng nước ngọt nhiều, người dân bơm trữ nước vào ao, đìa, kênh, mương để tưới tiêu làm cho mực nước các trục kênh trong đê bao xuống nhanh. Cùng đó, tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ tăng cao làm nước bốc hơi nhanh kết hợp với việc bơm trữ nước của người dân đã gây ra tình trạng khô dòng, cạn nước mặt trên các tuyến kênh, gây ra sụt lún, sạt lở đường giao thông khu vực vùng đệm, ảnh hưởng bất lợi, khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra do sụt lún, sạt lở trong thời gian tới, các địa phương huyện U Minh Thượng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của cộng đồng đối với khu vực nguy hiểm, vận động người dân đang sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở cao di dời đến nơi an toàn, nhất là cảnh giác cao độ khi xuất hiện những cơn mưa lớn đầu mùa.

Chú thích ảnh
Căn nhà của ông Lê Văn Chí, ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) bị sụp xuống kênh. 

Huyện thăm hỏi động viên các hộ dân có nhà bị hư hại do sụt lún, sạt lở, hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống. Hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huy động lực lượng khắc phục tạm thời những đoạn giao thông nông thôn bị sụt lún, thông tuyến để người dân vận chuyển hàng hóa, đi lại an toàn, huyện kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Kiên Giang xem xét giảm tải trọng đường Tỉnh 965 đến hết mùa khô.

Cùng với đó, huyện U Minh Thượng triển khai, thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời hậu quả do sụt lún, sạt lở gây ra đảm bảo cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân, cấm biển báo cấm ô tô vào các tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở. Khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cắm biển cảnh báo, giăng dây, kẽ vạch, lắp đèn tín hiệu… để cảnh báo người dân.

Đặc biệt, đối với các hộ nhà ở ven kênh (cặp mé lộ) trong khu vực vùng đệm, nguy cơ có thể xảy ra sạt lở, vận động di dời đến nơi an toàn và kiên quyết di dời đối với các căn nhà ở khu vực rạn nứt, nguy cơ sạt lở cao có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, dự báo, cảnh báo về tình hình sạt lỡ trong mùa khô 2024, hạn chế thấp nhất thiệt hại về con người, tài sản do sụt lún, sạt lở gây ra.

Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng Dương Quốc Khởi cho hay, huyện kiến nghị tỉnh, nếu như tình trạng sụt lún, sạt lở và hậu quả thiên tai gây ra đã đủ điều kiện công bố thiên tai thì sớm công bố cấp độ rủi ro thiên tai để có các chính sách hỗ trợ người dân; vùng bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống, giảm thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài.

Huyện cũng đề nghị tỉnh xem xét bổ sung nguồn kinh phí cho huyện sửa chữa các đoạn, tuyến đường sụt lún, sạt lở đảm bảo cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, sớm cho chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống kênh, xây dựng cống, đê bao kết hợp hồ chứa nước, xây dựng trạm bơm điều tiết chống ngập úng, sạt lở trong vùng đệm U Minh Thượng.

Bài và ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Sạt lở liên tiếp ở Cần Thơ, ảnh hưởng 10 căn nhà
Sạt lở liên tiếp ở Cần Thơ, ảnh hưởng 10 căn nhà

Ngày 3/4, tại thành phố Cần Thơ xảy ra 2 vụ sạt lở bờ sông Trà Nóc và sông Cần Thơ Bé, ảnh hưởng đến 10 căn nhà của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN