Tái diễn tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Cái

Sau một thời gian khắc phục, từ tháng 2/2021 đến nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Cái (xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) lại diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Chú thích ảnh
Một người đàn ông đang nhúng rửa đôi ủng của mình trong dòng nước suối Cái đen kịt và bốc mùi mà không dám cởi bỏ chiếc ủng còn lại. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc để tìm cách khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước suối Cái, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình gây ra. Tuy nhiên, sau một thời gian khắc phục, từ tháng 2/2021 đến nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Cái lại diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân dọc hai bên suối...

Khốn khổ vì ô nhiễm

Ngược dòng suối Cái, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn để tiến vào sâu trong vùng bị ô nhiễm nguồn nước, phóng viên tận mắt chứng kiến nguồn nước nơi đây đang có màu đen pha lẫn chút vàng nhờ, mùi tanh, hôi bốc lên rất khó chịu. 

Tại khu vực giáp ranh giữa suối Cái và suối Quất của xã Yên Sơn (huyện Thanh Sơn), anh Đinh Xuân Cương, Trưởng khu Soi Trại, xã Yên Lương cho biết, trước đây, suối Cái có nhiều cá nhưng từ khi bị ô nhiễm, nhiều loại cá ngon cứ hiếm dần. Tuy nhiên, từ tháng 2 đến nay, dòng suối lại liên tục ngầu bọt.

Trước kia, nước suối trong xanh đến mức người dân có thể uống trực tiếp. Hiện nay, nước ô nhiễm khiến cuộc sống của nhân dân dọc hai bên suối rất khó khăn. Nhiều hộ đã đào giếng lấy nước ăn nhưng sau đó đành lấp bỏ thay vào đó là đầu tư mua ống nước dẫn từ trên nguồn về để lấy nước sinh hoạt. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã, thậm chí là trong các buổi tiếp xúc cử tri…

Ông Đinh Văn Lập, Bí thư Chi bộ Soi Trại cho biết, tình trạng ô nhiễm suối Cái đã diễn ra nhiều năm nay, người dân rất bức xúc nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo ông Lập, trước đây, người dân có thể tắm tại suối, từ khi Nhà máy giấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát đi vào hoạt động, nguồn nước suối ô nhiễm, mọi sinh hoạt của bị đảo lộn. Ông mong muốn, cơ quan chức năng xem xét và có biện pháp quyết liệt để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống...

Trao đổi về việc này, Chủ tịch UBND xã Yên Lương Đinh Văn Năng cho hay, suối Cái vẫn còn tình trạng nước có màu đỏ, đục... chủ yếu ở khu Soi Trại (khu đập tràn). Hiện tượng nước suối có màu lạ vẫn diễn ra nhưng không thường xuyên. Các cơ quan liên quan của hai tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, giám sát. Cơ quan chức năng đã xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát hàng trăm triệu đồng, đình chỉ hoạt động do vi phạm các quy định về xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, sau một thời gian, Công ty này lại cho xả thải nên nguồn nước suối Cái tiếp tục bị ô nhiễm.

UBND xã Yên Lương, người dân khu Soi Trại mong muốn, các cấp, ngành liên quan cần có động thái kiên quyết với đơn vị sản xuất ở phía thượng nguồn để trả lại sự trong lành nguồn nước suối Cái. Nhà máy giấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát ở đầu nguồn cần nghiêm túc tuân thủ quy định về xả thải để đảm bảo không tiếp tục gây ô nhiễm môi trường…

Cần có biện pháp mạnh tay

Suối Cái bắt nguồn từ hồ Mu Công thuộc thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, chảy qua các xã Tu Lý, Hào Lý, huyện Đà Bắc sau đó chảy sang địa phận các xã Yên Sơn, Yên Lương, Yên Lãng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ trước khi chảy vào sông Đà.

Nhà máy giấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát được đầu tư, đi vào hoạt động từ năm 2008, diện tích 50.000m2, công suất thiết kế 12.000 tấn bột giấy/năm với 6 dây chuyền sản xuất. Trong quá trình hoạt động, Công ty có sử dụng một lượng lớn hóa chất để phục vụ sản xuất cũng như xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường.

Năm 2019, Thanh tra Tổng cục Môi trường đã thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát. Đoàn thanh tra đã lấy mẫu đột xuất ngày 26/12/2019 đối với nước thải sau hệ thống xử lý nước thải của nhà máy để phân tích, đánh giá.

Kết quả, nước thải sau hệ thống xử lý có các chỉ tiêu BOD5 vượt 3,93 lần; TSS vượt 1,34 lần; COD vượt 2,56 lần quy chuẩn kỹ thuật về môi trường cho phép. Ngày 20/1/2020, Tổng cục Môi trường đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát số tiền hơn 100 triệu đồng.

Tại Kết luận Thanh tra số 71/KL-TCMT ngày 28/2/2020, Tổng cục Môi trường yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát phải có biện pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Công ty cần cắt bỏ đường ống thoát nước xeo giấy ra môi trường không qua hệ thống xử lý nước thải; rà soát tất cả các đường ống rò rỉ nước sạch vào hệ thống bể xử lý nước thải; điểm xả nước thải ra suối Cái phải được cải tạo nổi trên mặt đất; cải tạo lại bể xử lý số 3 xử lý dịch đen đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Công ty cải tạo ống thoát khí thải các lò sấy đảm bảo giám sát định kỳ đối với khí thải. Kết quả khắc phục báo cáo Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình trước ngày 30/6/2020 để kiểm tra, giám sát.

Mặc dù doanh nghiệp đã chấp hành nộp phạt nhưng dường như chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên thời gian gần đây, doanh nghiệp này tiếp tục vi phạm. Người dân các xã Yên Lương, Yên Sơn, huyện Thanh Sơn… đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Tổng cục Môi trường có biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với hành vi xả nước thải gây ô nhiễm môi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát để họ yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Bạc Liêu tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước vùng nuôi tôm
Bạc Liêu tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước vùng nuôi tôm

Trước tình hình môi trường nước ở một số vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn ô nhiễm nặng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường và ngành môi trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xả thải trái phép ra môi trường; đồng thời, khuyến khích người nuôi tôm áp dụng quy trình nuôi công nghệ cao khép kín, tiết kiệm nước, tái sử dụng nguồn nước...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN