Thông tin điều tra dân số giúp hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội

Tổng điều tra dân số không chỉ thu thập thông tin về dân số mà còn thu thập các dữ liệu thông tin quan trọng khác để làm căn cứ quan trọng và hữu ích phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chú thích ảnh
Điều tra viên điều tra dân số và nhà ở hộ dân phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Để hiểu rõ hơn, sự khác biệt giữa thông tin từ các cơ sở dữ liệu hành chính và thông tin của tổng điều tra dân số, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Phạm Quang Vinh, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Tổng điều tra dân số sẽ tiếp tục cung cấp bổ sung các thông tin về tình hình dân số, nhân khẩu học, chất lượng dân số và các điều kiện ở của nhân dân một cách đầy đủ và chi tiết hơn. Xin ông cho biết rõ, những nội dung mà cuộc tổng điều tra sẽ tiến hành thực hiện?

Trước hết, một trong những nội dung chính sẽ được tiến hành thực hiện trong tổng điều tra dân số là thu thập thông tin về con người trong đời sống kinh tế-xã hội thực tế của một khu vực địa lý, một quốc gia theo các tiêu chí được thừa nhận và áp dụng trên toàn thế giới.

Các tiêu chí này không hoàn toàn thống nhất với quy định của cơ quan hành chính của mỗi quốc gia. Cụ thể, để xác định một người sẽ được tính vào dân số của một địa bàn hành chính nào đó, tổng điều tra dân số dựa trên khái niệm "nhân khẩu thực tế thường trú".

Nhân khẩu thực tế thường trú là những người đã cư trú ổn định trên địa bàn từ 6 tháng trở lên hoặc chưa đủ 6 tháng nhưng có ý định cư trú ổn định lâu dài tại địa bàn; không phân biệt họ có hay không có các giấy tờ đảm bảo cư trú cần thiết như: sổ hộ khẩu, giấy đăng ký tạm trú…

Trong khi đó, để được là công dân thuộc phạm vị quản lý của một địa phương nào đó trong cơ sở dữ liệu ngành công an, công dân cần phải thực hiện các thủ tục đăng ký hộ khẩu, đăng ký tạm trú theo đúng quy định của ngành công an. Vì vậy, vì một lý do nào đó, công dân không thực hiện các thủ tục theo quy định thì họ sẽ không được tính là dân số của địa phương họ đang thực tế cư trú.

Ví dụ, nhiều người dân đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh A, nhưng sau đó, họ chuyển đến tỉnh B sinh sống và làm việc ổn định, thường xuyên. Như vậy, tổng điều tra dân số ghi nhận là họ là dân số của tỉnh B không phân biệt họ đã hay chưa có hộ khẩu thường trú, đã đăng ký tạm trú hay chưa đăng ký tạm trú ở tỉnh B.

Trong khi đó, cơ sở dữ liệu hành chính có thể vẫn ghi nhận những người này ở tỉnh A do họ chưa có giấy tờ đăng ký ở tỉnh B. Điều này dẫn đến sự khác biệt về số liệu dân số quản lý trên giấy tờ nhân thân khác với số liệu dân số trên thực tế tại một địa phương. Từ đó, gây khó khăn cho công tác quản lý và phân bổ nguồn lực thực tế tại địa phương.

Trên thực tế, cơ sở dữ liệu hành chính được kiểm soát bởi các yếu tố hành chính và pháp lý nên đôi khi thông tin cung cấp trong cơ sở dữ liệu có thể khác với thực tế đang tồn tại, điều này có đúng không, thưa ông?

Đúng như vậy, đặc biệt, nếu các quy định chưa kịp thay đổi hoặc năng lực quản lý chưa tốt thì thông tin từ cơ sở dữ liệu hành chính có thể khác xa với thông tin thực tế. Cụ thể, việc quản lý đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú chưa tốt có thể làm dân số đang thực tế cư trú của một địa phương khác xa với dân số đang quản lý trong cơ sở dữ liệu. Hoặc, nếu trẻ em sinh ra, người chết đi vì lý do nào đó chưa được đăng ký khai sinh hoặc khai tử thì không thể có thông tin trong cơ sở dữ liệu.

Hơn nữa, cơ sở dữ liệu hành chính có phạm vi giới hạn trong các khu vực hành chính nhất định, không thể linh hoạt đến cấp thôn, tổ dân phố, địa bàn điều tra như thông tin từ tổng điều tra, vì vậy đôi khi sẽ hạn chế về thông tin chi tiết cung cấp cho công tác quản lý và phân phối nguồn lực cũng như tổ chức thực hiện một chính sách đến từng địa bàn cơ sở tại địa phương…

Thưa ông, Tổng điều tra dân số không chỉ thu thập thông tin về dân số mà còn thu thập các dữ liệu thông tin quan trọng khác. Xin ông cho biết, đó là những chỉ tiêu thống kê nào?

Tổng điều tra dân số không chỉ thu thập thông tin về dân số mà còn thu thập các thông tin về nhà ở của các hộ dân cư cùng với một số chỉ tiêu thống kê quan trọng khác để đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân như: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi chưa được đăng ký khai sinh, trình độ học vấn của dân số, tỷ lệ người dân tộc biết chữ phổ thông, tỷ suất di cư thuần của dân số; tỷ suất sinh, tỷ suất chết, các đặc điểm nhà ở của hộ dân cư,…Những chỉ tiêu thống kê này rất khó có được từ nguồn cơ sở dữ liệu hành chính, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về dân cư.

Nội dung các trường thông tin thu thập trong cơ sở dữ liệu hành chính là cố định qua nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, không linh hoạt theo tình hình thực tế như nội dung thu thập qua tổng điều tra. Vì vậy, thông tin trong cơ sở dữ liệu hành chính có thể được cập nhật nhưng không đảm bảo so sánh quốc tế mà chỉ phục vụ cho quản lý của ngành, lĩnh vực nào đó.

Ví dụ, khi thiết kế thông tin thu thập trong tổng điều tra, người dùng tin có thể phát hiện thấy có một số vấn đề bức thiết như sự tăng cao về tỷ số giới tính khi sinh do các định kiến giới. Các thông tin này không thể có được từ các cơ sở dữ liệu hành chính trong khi đó dễ dàng cài đặt vào các cuộc tổng điều tra để nghiên cứu, đánh giá.

Các thông tin trong cơ sở dữ liệu hành chính là thông tin cá nhân trong khi các thông tin thu thập từ tổng điều tra là thông tin về cá nhân sống trong một hộ dân cư. Trên thực tế, đặc trưng của mỗi cá nhân bị tác động rất nhiều bởi đặc trưng của hộ, những người sống cùng trong hộ và các điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của họ. Các nghiên cứu, phân tích và chính sách phần nhiều phải dựa vào hộ dân cư, mà thông tin về hộ thì không có được từ cơ sở dữ liệu hành chính.

Các thông tin trong cơ sở dữ liệu hành chính mang tính pháp lý, bảo mật và riêng tư, vì vậy khả năng tiếp cận nguồn thông tin này phục vụ các hoạt động nghiên cứu và phân tích của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước là rất khó khăn.

Hiện, cơ chế quản lý và chia sẻ thông tin từ các cơ sở dữ liệu trên chưa được ban hành. Vì vậy, rất khó có thể đánh giá hiệu quả sử dụng đối với nguồn cơ sở dữ liệu này so với tổng điều tra. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Với tất cả lý do trên, chúng tôi thấy rằng, cần hết sức thận trọng khi quyết định không thực hiện tổng điều tra dân số vì "Tổng điều tra dân số và nhà ở - không đơn thuần chỉ là đếm số dân". Đồng thời, khi thực hiện tổng điều tra dân số trong thời gian tới, cần nghiên cứu áp dụng phương pháp luân, kỹ thuật tiên tiến, cách làm mới, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và đặc biệt cần đánh giá kỹ các nguồn thông tin, khả năng chia sẻ để xác định những thông tin còn thiếu, thực sự cần thu thập để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Hiền/TTXVN (Thực hiện)
Nhìn lại 5 lần Tổng điều tra dân số
Nhìn lại 5 lần Tổng điều tra dân số

Sau cuộc Tổng điều tra (TĐT) dân số và nhà ở đầu tiên năm 1979, Việt Nam đã tiến hành thêm các cuộc TĐT dân số và nhà ở vào các năm 1989, 1999, 2009 và 2019. Kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở vào 0 giờ ngày 01/4/2019 cho thấy: Tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN