Thừa Thiên - Huế: Mưa ngập, vẫn còn trên 8.000 học sinh chưa thể đến trường

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mưa to kết hợp với Thủy điện Hương Điền điều tiết xả lũ về hạ du nên các vùng thấp trũng của huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà tiếp tục bị ngập nước.

Tính đến 16 giờ ngày 12/12, mực nước tại hồ thủy điện Hương Điền là 57,34m; lưu lượng nước đến hồ 706m3/s; lưu lượng xả về hạ du 261m3/s. Đề phòng còn có mưa to trong những ngày tới, các địa phương trong vùng cần sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi có yêu cầu.

Chú thích ảnh
Nước trên sông Hương, đoạn qua thành phố Huế (ảnh chụp lúc 16 giờ ngày 12/12). 

Kiểm tra thực tế tại hiện trường và trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Nhà máy Thủy điện Hương Điền căn cứ lượng nước đến hồ để tiến hành điều tiết với nguyên tắc tuân thủ quy trình vận hành trong mùa mưa lũ. Đặc biệt, nhà máy cần tính toán hợp lý lưu lượng nước để không xảy ra nước dâng đột biến ở vùng hạ du cũng như tránh điều tiết nước vào buổi tối.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương lưu ý, do đây là thời điểm cuối mùa mưa nên người dân chủ quan trong việc phòng chống mưa, lũ. Vì vậy, các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, thông tin đến bà con vùng hạ du để người dân chủ động trong việc ứng phó.

Đối với các điểm bị sạt lở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương trong vùng tiến hành rào chắn, cảnh báo nguy hiểm; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ để có phương án đối phó kịp thời, hạn chế thiệt hại về người cũng như tài sản của người dân; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong lũ lụt khi không cần thiết.

Mưa lớn trong những ngày qua cũng đã làm tuyến Tỉnh lộ 16 (nhánh 1) đi qua địa bàn thị xã Hương Trà và đường dẫn vào Nhà máy Thủy điện Hương Điền bị sạt lở taluy dương tại Km2+500, đất đá tràn ra một phần mặt đường, cống thoát nước tại Km2+900 trên tuyến này bị xói hàm ếch. Trong ngày 12/12, Công ty cổ phần Đường bộ I đã tiến hành rào chắn tại vị trí cống và bố trí biển cảnh báo, dây phản quang nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện. Ngoài ra, công ty cũng dọn dẹp bèo, khơi thông bèo rác, cây xanh đổ ngã trên các tuyến đường, cầu đi qua địa bàn các địa phương.

Trong khi đó, mưa lớn liên tiếp trong thời gian từ 10-13/12 ở Thừa Thiên - Huế đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhiều điểm dọc theo sông Bồ và sông Hương qua các địa phương của thị xã Hương Trà. Đáng chú ý, điểm sạt lở có chiều dài khoảng 60 mét, tạo nên những hàm ếch, ăn sâu vào bên trong tuyến đường giao thông nội thị sông Bồ, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông qua đoạn đường này và ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân sinh sống ở đây. Ngoài ra, tình trạng sạt lở còn xảy ra tại một số điểm khác như: sạt lở bờ sông Hương qua phường Hương Hồ với chiều dài 30m, rộng 5m; sạt lở ở 7 xã qua phường Hương Chữ chiều dài 200 mét; 5 xã qua phường Hương An với chiều dài 150 mét. 

Đối với sản xuất nông nghiệp, mưa lớn đã làm cho hơn 25 ha rau màu ở thị xã Hương Trà bị ngập, ước tính thiệt hại 50%. Trước tình hình thời tiết đang còn diễn biến phức tạp, UBND thị xã Hương Trà chỉ đạo các địa phương tiến hành rào chắn, cảnh báo nguy hiểm tại những điểm sạt lở; tổ chức di dời các hộ dân ở vùng xung yếu, sạt lở đến nơi an toàn an và tổ chức trực 24/24 giờ để theo dõi, nắm tình hình, diễn biến của mưa lũ; đồng thời, triển khai hiệu quả các phương án đối phó theo phương châm 4 tại chỗ để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thiệt hại về người cũng như tài sản của người dân.

Chú thích ảnh
Trường học ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc bị ngập lụt học sinh phải nghỉ học. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Đến 13/12, toàn tỉnh vẫn còn hơn 8.000 học sinh vùng thấp trũng chưa thể đến trường vì nước ngập đường đi, chủ yếu ở các xã thuộc huyện Phong Điền gồm: Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Điền Hương, Điền Lộc; trong đó có khoảng 2.200 học sinh của 10 trường mầm non, 2.000 học sinh 10 trường tiểu học, 1.450 học sinh của 4 trường trung học cơ sở và 886 học sinh trường Trung học phổ thông Trần Văn Kỷ. Tại huyện Phú Lộc, mưa giảm, nước bắt đầu rút nhưng một số trường mầm non và tiểu học tại xã Lộc Trì, các cơ sở lẻ tại xã Lộc An và Lộc Hòa vẫn còn cho học sinh nghỉ học với tổng số khoảng 600 em.

Tại huyện Quảng Điền còn hơn 660 học sinh ở 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở tại xã Quảng Phước đang phải nghỉ học do nước ngập. Trong khi đó, các trường ở xã Hương Toàn, Hương Xuân đã dạy học trở lại nhưng còn khoảng 400 học sinh mầm non nghỉ học do ở vùng thấp trũng, phụ huynh chưa đưa con đến trường. Riêng các trường tại thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang cũng đã dạy học trở lại. Nhiều điểm trường tranh thủ nước xuống đang gấp rút dọn dẹp lại phòng học, sân trường, để nhanh chóng tổ chức dạy học trở lại.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ nay đến ngày 15/12, ở Thừa Thiên - Huế còn có mưa to đến rất to. Ông Thân Nguyên Khánh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, Sở đang chỉ đạo, giao quyền cho hiệu trưởng các trường thuộc sở; UBND các huyện, thị xã giao trách nhiệm cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, thông tin thủy điện điều tiết để chủ động, kịp thời thông báo tình hình dạy học đến phụ huynh và học sinh trong mọi tình huống.

Tin, ảnh: Quốc Việt (TTXVN)
Các tỉnh miền Trung khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất
Các tỉnh miền Trung khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất

Khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN