Trải nghiệm mô hình kinh doanh mang tên 'hạnh phúc' của những người tự kỷ

Tại cơ sở kinh doanh đặc biệt được trìu mến gọi là "doanh nghiệp hạnh phúc" này, các nhân viên siêu thị, quán ăn và nhà sách đều là người tự kỷ. Họ phục vụ khách hàng chu đáo, chuyên nghiệp và khẳng định giá trị bản thân, cũng như hòa nhập với cộng đồng.

Trong căn nhà nhỏ ba tầng nằm tại phố Mai Anh Tuấn (Hà Nội), Dự án mô hình kinh tế cho người tự kỷ đầu tiên tại Việt Nam (VAPs), gồm siêu thị, quán ăn và nhà sách, được anh Nguyễn Đức Trung, người sáng lập, triển khai bền bỉ trong suốt 7 năm qua.

Nhân viên của dự án- những người tự kỷ  -tuy thiếu hụt về khả năng giao tiếp, ngôn ngữ và kỹ năng xã hội, nhưng lại rất chuyên nghiệp và chu đáo, luôn tạo được thiện cảm lớn với khách hàng.

Người nào, việc nấy "chuẩn chỉ"

Thấy có bóng người tới, Quang Anh (21 tuổi) liền nhanh nhẹn ra tận nơi mở cửa, niềm nở cúi chào và bắt tay, tuy rằng các hành động có đôi chút vấp váp. Nhờ có khả năng giao tiếp, nói được nhiều, nên nhiệm vụ của Quang Anh là phụ trách “siêu thị hạnh phúc” tại tầng một và đón khách.

Chú thích ảnh
Quang Anh tư vấn cho khách hàng về những mặt hàng có tại siêu thị.

Cậu bé hào hứng chia sẻ: “Hằng ngày đi làm, em có đồng nghiệp, có các bạn, có thầy Trung, được âu yếm, quan tâm, dìu dắt để mình ngày càng tiến bộ, yêu đời hơn và hiểu nhiều vấn đề trong cuộc sống hơn”. 

Quang Anh là một người mắc hội chứng tự kỷ, việc học tập của em cũng phải tạm dừng vì không thể hòa nhập với các bạn ở trường. Nhưng ở môi trường này, em lại "tỏa sáng".

Chú thích ảnh
Quang Anh cẩn thận ghi chép lại những sản phẩm đã bán.

Còn Lê Hưng là “bếp trưởng” của nhà hàng, cùng với nhân viên Công Minh của mình, luôn chuyên tân phục vụ khách hàng với những món ăn đầy ắp sự chu đáo.

Ít ai có thể ngờ rằng, những chiếc pizza nóng hổi chuẩn vị, đĩa salad đẹp mắt lại được làm ra dưới bàn tay của một trẻ tự kỷ. Lê Hưng sẽ trực tiếp làm 4/5 công đoạn để tạo ra một chiếc bánh hoàn chỉnh. 

Chú thích ảnh
"Bếp trưởng" Lê Hưng của nhà hàng hạnh phúc tại VAPs.
Chú thích ảnh
Bánh sẽ được cắt sẵn trước khi chuyển tới tay khách hàng.

Vì bị hạn chế về khả năng ngôn ngữ cũng như hành động, nên các nhân viên sẽ phải mất nhiều thời gian hơn trong việc di chuyển và tiếp nhận yêu cầu của khách. Đáp lại sự chờ đợi quý báu đó, những nhân viên tự kỷ ở "nhà hàng hạnh phúc" sẽ luôn phục vụ tận tình, chu đáo, từ khâu cắt bánh, chuẩn bị dao dĩa, đến rót nước và một nụ cười thường trực trên môi. 

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Công Minh luôn cẩn thận, từ tốn trong từng hành động.

Còn tại khu vực hiệu sách, khách hàng sẽ được tư vấn nhiệt tình bởi hai nhân viên dễ mến là Xuân Tùng và Khôi Nguyên. Trước đây, Xuân Tùng (29 tuổi) từng là người ngại giao tiếp, sống khép kín. Nhưng sau thời gian được đào tạo, anh đã trở thành một nhân viên thực thụ, chuyên nghiệp, giúp đỡ các nhân viên khác trong việc tính tiền và trở thành Phó giám đốc dự án. 

Chú thích ảnh
Khách hàng đến với hiệu sách chụp ảnh lưu niệm cùng những nhân viên đặc biệt.

Khôi Nguyên tuy nhỏ tuổi nhất, nhưng lại là cậu bé hoạt ngôn, năng động. Tất cả khách hàng của em đều được tư vấn nhiệt tình về từng gian sách, dụng cụ học tập tại cửa hàng. Cậu bé có nhiều câu nói ngây ngô tới mức ai cũng phải bật cười vì quá đáng yêu. Ngày ngày, Khôi Nguyên được mẹ đưa đón tới công ty làm việc.

Chú thích ảnh
Khôi Nguyên để lại ấn tượng về một cậu bé đáng yêu, hoạt náo.

Anh Nguyễn Đức Trung - Giám đốc điều hành "Dự án Các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ" chia sẻ, mô hình này có thể gọi thân thương là “Doanh nghiệp hạnh phúc”, với ba hình thức kinh doanh chính gồm: Siêu thị, nhà hàng và hiệu sách. Đồng hành cùng các nhân viên đặc biệt của mình, anh Trung cho biết, mỗi bạn trẻ là một "bộ phim đặc biệt" với nhiều điều thú vị.

Khát vọng nhân rộng mô hình VAPs

Tuy là Giám đốc dự án, không trực tiếp tham gia các công việc phục vụ khách hàng, nhưng anh Nguyễn Đức Trung lại luôn tất bật giám sát và hỗ trợ những nhân viên đặc biệt của mình.

Vốn xuất thân là người làm kinh tế, lại từng có nhiều năm tìm hiểu về trẻ tự kỷ, nên anh Trung đã ấp ủ và hiện thực hóa giấc mơ đưa các bạn đến gần hơn với cộng đồng và khẳng định giá trị bản thân bằng sức lao động. 

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Đức Trung tự hào nhìn lại chặng đường cùng VAPs.

Suốt nhiều năm qua, “người thầy” Nguyễn Đức Trung đã miệt mài đi tìm gặp các gia đình có con bị tử kỷ, quan sát và nắm bắt mọi thứ về các bạn. Nhờ vậy, mà anh có thể đọc vanh vách thói quen, sở thích, ưu nhược điểm và tính cách của từng nhân viên mà không cần đến tài liệu, hồ sơ. 

Cũng theo anh Trung, mỗi nhân viên được tuyển vào công ty đều do chính anh trực tiếp đào tạo theo kiểu 1-1 đến khi thạo việc. Tùy vào khả năng tiếp thu của từng người mà anh hướng dẫn những phần việc phù hợp, như: học làm bánh, pha cà phê, sử dụng tiếng Anh, công nghệ thông tin, giao tiếp với khách hàng,... 

Nói về những người cộng sự của mình, anh Trung tự hào rằng: “Sau thời gian dài vận hành, tôi mới nhận ra, chính các bạn nhân viên mới là những người đồng hành quý báu, cùng tôi xây dựng dự án như ngày hôm nay. Tuy tích cách có chút khác nhau, nhưng các bạn đều rất thuần khiết và tự nhiên. Hiện tại, các bạn có thể nhiệm vụ theo đúng quy trình mà không gặp bất kỳ trở ngại nào”. 

Chú thích ảnh
Nhân viên nhà hàng cẩn thận ghi phiếu thu sau khi thanh toán cho khách hàng.

Khác với nhiều mô hình khác trên thế giới thiên về hướng nghiệp, tại VAPs, anh Trung đặt ra mục tiêu là dự án kinh doanh có lợi nhuận, tạo việc làm bền vững cho những người tự kỷ, để họ có thể nuôi sống bản thân bằng chính sức lao động, tạo ra giá trị và đến gần hơn với cộng đồng. 

Anh Trung trải lòng: “Tôi vẫn nhớ lần cùng nhân viên đi giao cà phê tới một công ty,  vị giám đốc lại đặt câu hỏi rằng chúng tôi đến với mục đích gì? Tôi hiểu, có lẽ vị này đã nhầm rằng chúng tôi đến để xin ủng hộ. Lúc đó có chút chạnh lòng, nhưng tôi vẫn cố gắng đính chính rằng, chúng tôi chỉ nhận số tiền từ việc trả phí sử dụng dịch vụ của khách hàng mà thôi”. 

Chú thích ảnh
Dù không trực tiếp làm việc nhưng anh Trung vẫn luôn phải túc trực bên các nhân viên.

Được biết, dự án của anh Trung hiện tại không nhận bất kỳ khoản đóng góp hay từ thiện nào. Thu nhập của nhân viên đều đến từ tiền lãi thu được và trả theo ngày, phụ thuộc vào doanh số. Anh cũng chia sẻ, việc nhân rộng nhiều hơn mô hình như VAPs đến khắp cả nước là một “giấc mộng lớn” mà anh đang ấp ủ, bởi để vận hành được một hệ thống như thế này cần rất nhiều yếu tố, đặc biệt là quá trình đào tạo. 

“Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng vậy, việc đào tạo và nâng cao trình độ nhân viên là việc phải làm thường xuyên. Khách hàng tới trải nghiệm và trả phí, các bạn tự kỷ được sống với làm việc, tôi nghĩ đó là giá trị của lao động”, anh Nguyễn Đức Trung cho biết.

 

Phương Mai/Báo Tin tức
Cần một chính sách thống nhất hỗ trợ cho trẻ em tự kỷ
Cần một chính sách thống nhất hỗ trợ cho trẻ em tự kỷ

Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ em mắc chứng tự kỷ ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN