Vững vàng bên suối Đắk Đăm

Vượt qua những khó khăn, thử thách, Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) đứng chân trên địa bàn huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) đã tạo nên “hành lang xanh”, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế

Năm 1999, Trung đoàn 726 được thành lập với nhiệm vụ thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, giúp dân xóa đói giảm nghèo ở vùng biên giới. Đơn vị đứng chân trên địa bàn hai xã Quảng Trực và Quảng Tâm thuộc huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Đây là địa bàn chiến lược, giao thông đi lại đặc biệt khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, dân trí thấp, trật tự an toàn xã hội có thời điểm hết sức phức tạp và nhạy cảm, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đơn vị. 17 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên và người lao động của trung đoàn luôn giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Xây dựng đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn nông thôn mới tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Những năm qua, trung đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ gắn sản xuất kinh doanh với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Thiếu tá Nguyễn Văn Huệ - Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 726 cho biết: Trước những khó khăn thách thức, Đảng ủy, Ban Chỉ huy trung đoàn xác định: Muốn đơn vị phát triển, hoàn thành nhiệm vụ cũng là mục tiêu, trước hết phải ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động; khuyến khích tăng gia sản xuất, ổn định đời sống. Từ đó, hàng loạt các biện pháp được Đảng ủy, Ban chỉ huy đưa ra và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đơn vị đã từng bước hoàn thiện cơ chế hạch toán, cơ chế khoán cho người lao động nhằm nâng cao tính tự chủ của người lao động, đặc biệt là cơ chế giao khoán thu hồi vốn. Với 2 phương án: Khoán tập trung và khoán giao vốn, qua thực tế cho thấy, cơ bản người nhận khoán trong toàn nông trường đã tự chủ đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây. Hiện nay, trung đoàn đang quản lý hơn 970 ha vườn cây, với nhiều loại cây trồng khác nhau như cà phê, mắc ca, hồ tiêu, chanh không hạt; trong đó diện tích cà phê giao khoán cho các hộ hơn 521 ha. Đơn vị còn trồng được hơn 424 ha rừng, khoanh nuôi và bảo vệ gần 749 ha rừng tự nhiên.

Trung đoàn đã tập trung chỉ đạo đột phá thâm canh, tăng năng suất chất lượng vườn cây. Đơn vị đã phối hợp với các trung tâm nghiên cứu, các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tổ chức các cuộc hội thảo về chăm sóc cà phê, xây dựng các mô hình vườn cây điểm ở các đội sản xuất; tập huấn kỹ thuật tỉa cành, ghép chồi để cải tạo vườn cà phê già cỗi kém năng suất. Từ chỗ chỉ độc canh cây cà phê, đến nay đơn vị đã mở rộng quy mô sản xuất, sản xuất kinh doanh ổn định và từng bước phát triển; bảo toàn và phát triển nguồn vốn, tài sản của Nhà nước, của quân đội, thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ đối với Nhà nước, quân đội, địa phương và xã hội.

Sản xuất đi vào ổn định, doanh thu cũng như thu nhập của người lao động tăng lên rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015, doanh thu của trung đoàn đạt trên 32 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,2 triệu đồng/người/tháng, gấp hơn 4 lần so với năm 2008.

Sống trong lòng dân

Đi liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế, vấn đề bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biên giới trong nhiều năm qua đã được trung đoàn hết sức chú trọng. Ngay từ khi hình thành vùng dự án, trung đoàn đã bố trí, sắp xếp lực lượng dân cư thành 5 đội sản xuất dọc theo vành đai biên giới, gắn với các thôn, bản, làng do địa phương quản lý. Hiện nay, trung đoàn giao khoán vườn cây cho 637 hộ với gần 2.100 nhân khẩu (trong đó có 72 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ); cấp gần 2.000 suất đất ở, mỗi suất từ 400 - 800 m2 cho các hộ công nhân; hỗ trợ gần 4 tỷ đồng xây dựng nhà cho các hộ khó khăn. Bên cạnh đó, trung đoàn đã đầu tư cho chiến lược phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội hàng chục hạng mục quan trọng như: Xây dựng một bệnh xá quân dân y với quy mô 20 giường bệnh, trang thiết bị hiện đại; xây dựng ở mỗi đội sản xuất một nhà trẻ, trường mầm non; đào đắp gần 20 hồ đập chứa nước tưới tiêu; kéo hàng chục ki lô mét đường dây sử dụng điện lưới quốc gia về các đội sản xuất... Mỗi năm, trung đoàn trích hàng trăm triệu đồng làm công tác an sinh xã hội, dân vận trên địa bàn đứng chân trong những ngày lễ, Tết.

Ngoài công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đơn vị còn làm công tác dân vận giỏi. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Đảng ủy, Chỉ huy trung đoàn thường xuyên quán triệt các ban, ngành, đội sản xuất, các tổ chức quần chúng “thi đua làm công tác dân vận giỏi”. Các đội công tác của trung đoàn đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện định canh, định cư, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không nghe và làm theo sự xúi giục của kẻ xấu, của các thế lực phản động chống đối Đảng, Nhà nước, vượt biên trái phép, không phá rừng… trung đoàn cũng phối hợp với chính quyền địa phương khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào tại chỗ, phòng chống các dịch bệnh; thăm hỏi, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Nhờ sự giúp đỡ của trung đoàn, đời sống của đồng bào hai xã Quảng Tâm và Quảng Trực, huyện Tuy Đức, từng bước khởi sắc. Nhiều chương trình được thực hiện có hiệu quả, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Người dân phấn khởi, tin tưởng, yên tâm sản xuất không nghe theo kẻ xấu. Tình quân dân gắn bó máu thịt. Già Điểu Đắk, bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, phấn khởi: “Tình quân dân ở đây như cá với nước. Được sự giúp đỡ của các chú bộ đội 726, đời sống của bà con trong bon mình và dọc biên giới này đổi khác rất nhiều. Đói nghèo được đẩy lùi, đau ốm được khám bệnh miễn phí. Nhiều hộ nhận khoán vườn cây với bộ đội nên cuộc sống rất ổn định”. Còn ông Đoàn Hồng Quân - Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết: “Quảng Trực là xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, địa hình rộng lớn, dân cư thưa thớt, đời sống còn nhiều khó khăn. Là đơn vị đứng chân trên địa bàn xã, Trung đoàn 726 đã đầu tư nhiều công trình về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, bệnh xá… góp phần rất lớn trong xây dựng nông thôn mới của xã”.

Giờ đây, Trung đoàn 726 bám trụ bên dòng suối Đắk Đăm, trở thành điểm tựa vững chắc cho công nhân và người dân nơi đây. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, với tinh thần kiên trì, vượt khó, đoàn kết, sáng tạo và gắn bó máu thịt với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Trung đoàn 726 sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới.
Anh Dũng
Ấm tình kết nghĩa qua biên giới
Ấm tình kết nghĩa qua biên giới

“Giờ đây hai thôn Nà Nưa (Việt Nam) và Nà Hoa (Trung Quốc) đã chính thức kết nghĩa rồi, tình cảm thân thiết láng giềng được nâng lên một bậc mới. Hiện hai thôn đang nhộn nhịp chuẩn bị chương trình giao lưu đón xuân, chắc chắn Tết này bà con hai thôn sẽ đón một năm mới thật đầm ấm tình hữu nghị”. Đó chính là lời tâm sự mộc mạc, chân thành từ tận đáy lòng của bà Đàm Thị Sen, Trưởng thôn Nà Nưa, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN