Xây dựng các chuẩn mực văn hóa uống rượu bia trong cộng đồng

Ngày 29/6, tại Hà Nội, Tạp chí Đồ uống Việt Nam phối hợp Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam tổ chức hội thảo Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng.

Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) chia sẻ tại hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam cho rằng, đồ uống nói chung bao gồm bia, rượu, nước giải khát và đồ uống có cồn nói riêng là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa mang tính thiết yếu, vừa gắn liền với những đặc trưng văn hóa. Việc tổ chức hội thảo cũng là một trong những hoạt động thể hiện trách nhiệm của ngành đồ uống với xã hội. Tuyên truyền vận động người tiêu dùng sử dụng đồ uống có văn hóa, có trách nhiệm, không lạm dụng đồ uống có cồn, “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, vì sự phát triển bền vững.

Chia sẻ về thực trạng phát triển của ngành đồ uống Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhấn mạnh, đồ uống là sản phẩm phục vụ tiêu dùng hàng ngày, giúp nâng cao mức sống và đẩy mạnh hội nhập kinh tế. Với rất nhiều nhà máy được phân bổ hầu khắp các tỉnh thành tại Việt Nam, ngành đồ uống luôn đứng ở vị trí đóng góp hàng đầu cho ngân sách quốc gia.

Đặc biệt, bia, rượu còn gắn liền với tín ngưỡng, văn hóa và có mặt trong nhiều lễ hội. Rượu, bia được người dân sử dụng trong việc thờ cúng tổ tiên, lễ Tết, có mặt trong tiệc chiêu đãi nguyên thủ quốc gia, trong các cuộc gặp gỡ, liên hoan, giao lưu văn hóa ẩm thực…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt, ngành đồ uống đã và đang gặp phải không ít khó khăn. So với năm 2019, doanh thu toàn ngành đồ uống năm 2020 đã giảm 16%; lợi nhuận thuần toàn ngành giảm từ 18% đến 20%, đây cũng là thời điểm bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu, và là thời điểm có những sự thay đổi chính sách chưa phù hợp. Năm 2023 cũng được dự báo ngày càng có nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp ngành đồ uống.

Đứng trước những khó khăn đó, PGS.TS Nguyễn Văn Việt bày tỏ mong muốn nhà nước giữ ổn định mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ rượu phi chính thức (rượu thủ công không đăng ký, hàng giả…).

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh, uống có văn hóa, có trách nhiệm là có trách nhiệm với chính bản thân người uống, với gia đình, xã hội và với luật pháp. Cả xã hội cần phải thực thi việc uống có trách nhiệm để tránh những hệ lụy xấu. Theo đó, kiến nghị chính sách phòng, chống lạm dụng đồ uống có cồn cần thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông (các hình thức xử phạt, luật giao thông đường bộ…).

Đồng tình, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, ẩm thực (trong đó có đồ uống) là "giao diện của văn hóa mỗi quốc gia". Vì thế, ngành đồ uống có trách nhiệm vô cùng quan trọng trong việc phát triển văn hóa uống. Ngành đồ uống trước tiên cần tạo ra một hệ thống sản phẩm phong phú, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho con người về các tri thức khoa học thưởng thức cần thiết về văn minh ẩm thực.

Ngoài ra, cần chú trọng thực hiện hoạt động tuyên truyền hướng dẫn, xây dựng các chuẩn mực văn hóa uống trong cộng đồng, nêu cao trách nhiệm của người tiêu dùng biết ứng xử văn minh, biết sử dụng đồ uống một cách lịch sự, an toàn.

Để đẩy mạnh phát triển ngành đồ uống, cũng như hình thành văn hóa uống, ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu quan điểm, báo chí nói riêng và truyền thông nói chung phải có trách nhiệm khẳng định vị trí của đồ uống vì đây là ngành kinh tế có những đóng góp vô cùng quan trọng.

Ông Hồ Quang Lợi cho rằng, việc cần làm bây giờ là xây dựng thương hiệu mạnh cho ngành đồ uống Việt Nam, đảm bảo các sản phẩm không thua kém gì sản phẩm quốc tế và có thể xuất khẩu nước ngoài. Báo chí nên góp phần chấn chỉnh những thông tin sai lệch về ngành đồ uống (đặc biệt là bia, rượu), tạo cho xã hội những suy nghĩ đúng về vai trò của ngành đồ uống. 

“Báo chí phải nâng cao tinh thần phản biện, cụ thể là những phản biện góp phần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với công tác phát triển văn hóa uống và ngành đồ uống tại Việt Nam. Bên cạnh đó báo chí phải góp phần tích cực vào việc xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm cho cộng đồng” - ông Hồ Quang Lợi khuyến nghị. 

Thu Trang/Báo Tin tức
Rượu nếp, hoa tươi đắt hàng, sức mua set ‘Đoan Ngọ’ giảm
Rượu nếp, hoa tươi đắt hàng, sức mua set ‘Đoan Ngọ’ giảm

Sáng 22/6, tức ngày 5 tháng 5 Âm lịch là Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ…. Do vậy, tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội, người dân đi chợ, mua bán hàng tấp nập, đặc biệt tại những quầy bán hoa tươi và rượu nếp. Giá một số loại hoa và quả ngon, mã đẹp nhích hơn một chút so với ngày thường.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN