Xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, dạy nghề cho người cao tuổi

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Dự báo đến năm 2038, nhóm người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương với các nước có dân số già nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, khoảng 70% số người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn và cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều người cao tuổi cuộc sống vẫn khó khăn

Theo báo cáo của Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi năm 2020, phần lớn người cao tuổi Việt Nam có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con cháu. Tỉ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao (khoảng hơn 20%).

Chú thích ảnh
Ông Quàng Văn Hó (sinh năm 1951) là tấm gương điển hình trong phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi tại tỉnh Sơn La. Ông thường xuyên cùng hội viên cao tuổi chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả trên đất dốc cho năng suất cao. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Khoảng 70% người cao tuổi ở Việt Nam sống tại khu vực nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất và chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp.

TS. Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, hiện số người cao tuổi được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm rất ít. Các chính sách hiện nay tập trung chủ yếu vào việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, không có quy định cụ thể về các chính sách hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ việc làm.

"Vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cao tuổi đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động sau đại dịch COVID-19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa đảm bảo quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước", TS. Trương Anh Dũng cho biết.

Thay đổi quan điểm hỗ trợ

Đại diện Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, tỷ lệ người cao tuổi tham gia làm việc ngày càng tăng trong 20 năm qua. Nếu năm 1999, có 19,40% người cao tuổi là nữ tham gia làm việc, 35% người cao tuổi là nam làm việc; thì đến năm 2020, con số này tăng lên lần lượt là 38% và 46,1%.

Giai đoạn 2010 - 2020, bình quân mỗi năm lao động người cao tuổi tăng thêm khoảng 160.000 người, tương ứng với mức tăng khoảng 4%/năm, cao hơn 2 lần so với mức tăng trưởng việc làm chung của cả nước.

Kết quả nghiên cứu vào tháng 6 - 8 năm 2020 tại TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy, khoảng 40 - 45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Trong đó có 3 - 4% người cao tuổi là chủ các doanh nghiệp, trang trại trồng trọt, chăn nuôi đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động. Hàng vạn người cao tuổi tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Kết quả điều tra về người cao tuổi Việt Nam cũng cho thấy, 20% người cao tuổi có nguồn thu quan trọng nhất là thu nhập qua làm việc.

Theo ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, hiện cả nước có 221.000 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhiều người cao tuổi đã và đang khởi nghiệp thành công, khẳng định vị trí, vai trò của mình.

Tuy nhiên, do chưa có các chính sách hướng dẫn cụ thể, nên quá trình khởi nghiệp của người cao tuổi gặp nhiều khó khăn về đất đai, trụ sở, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, về kiến thức, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, về tiêu thụ sản phẩm, về quản lý rủi ro, về chính sách thuế...

Liên quan đến dạy nghề cho người cao tuổi, ông Phan Văn Hùng cho rằng, xã hội có quan niệm người cao tuổi cần được nghỉ ngơi, không phải là đối tượng áp dụng chế độ đào tạo nghề. Đây cũng chính là lý do mà Nhà nước không có những quy định riêng về chính sách, chế độ đào tạo nghề cho người lao động cao tuổi, mặc dù họ cũng là người lao động đặc thù trong xã hội.

"Cần thay đổi nhận thức về việc người cao tuổi tham gia lao động, để tạo điều kiện cho họ tham gia thị trường lao động vừa đem lại niềm vui, sức khỏe và đóng góp vào cho xã hội; thay đổi nhận thức của xã hội về việc người cao tuổi có thể tham gia vào thị trường lao động ở những công việc phù hợp với thể trạng và sức khỏe", ông Phan Văn Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Phan Văn Hùng cũng kiến nghị xây dựng chương trình, dự án đào tạo hỗ trợ về chuyển đổi nghề hoặc nâng cao năng lực cho lao động cao tuổi; Triển khai các mô hình đào tạo tại chỗ, bảo đảm các lao động có đủ khả năng và nhu cầu được tham gia đào tạo nghề.

Nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo “đặc thù” phù hợp với điều kiện, khả năng tiếp thu của từng nhóm lao động cao tuổi; Tổ chức đào tạo kỹ năng cơ bản về sử dụng máy tính, các phần mềm ứng dụng trong các nhóm nghề đặc thù để người cao tuổi có thể tìm và đảm nhiệm đươc công việc trong bối cảnh chuyển đổi số...

Đồng thời, hỗ trợ lao động cao tuổi phát triển kinh tế hộ gia đình, khởi nghiệp sản xuất- kinh doanh tự tạo việc làm cho bản thân và những người cao tuổi khác; Có cơ chế thẩm định và cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án có khả năng tạo việc làm cho người cao tuổi.

XM/Báo Tin tức
Gần 6 triệu trẻ em được trao quà dịp Tết Trung thu
Gần 6 triệu trẻ em được trao quà dịp Tết Trung thu

Theo đại diện Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), dịp Tết Trung thu năm 2023, có gần 6 triệu trẻ em khắp cả nước được tặng quà (học bổng, bánh, kẹo, sữa, sách vở, quần áo, xe đạp...) với số tiền hơn 370 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN