Xây dựng chương trình giảm thiểu 'ô nhiễm trắng' trong trường học

Chiều 15/3, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường và Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc triển khai các chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông phát biểu tại lễ ký kết.

Thỏa thuận hợp tác là cam kết lâu dài giữa Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường và Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam trong việc xây dựng và tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, trồng rừng, tái thiết cuộc sống xanh; các chương trình giáo dục (giáo dục ngoại khóa, đào tạo, tập huấn...); chương trình trải nghiệm; các hoạt động truyền thông, hỗ trợ các dự án, hoạt động về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

Chương trình giáo dục trải nghiệm máy tái chế nhựa trong trường học và cộng đồng được thiết kế với các nhóm hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về rác thải nhựa thông qua các tiết học xanh hoặc hoạt động ngoại khóa; Học sinh được hướng dẫn và thực hành phân loại rác tại trường học; Trải nghiệm trực tiếp quy trình tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm; Tham gia các hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường. 

Phát biểu tại Lễ ký kết hợp tác, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang là một trong những vấn đề môi trường toàn cầu. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng; nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông Vũ Minh Lý, chương trình xác định tập trung vào việc xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục về trải nghiệm tái chế rác nhựa tại các trường học và cộng đồng giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030 nhằm khơi dậy tiềm năng, đam mê, ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa, hướng tới các hành động vì một môi trường bền vững.

Hoạt động tái chế sẽ được thiết kế trải nghiệm ngay tại chỗ với dàn máy tái chế tạo thành một sản phẩm chậu nhựa, bồn hoa, hộp bút… tái chế thông minh và nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo khác…

Ngày 9/6/2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì lễ phát động phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" trên phạm vi toàn quốc, những hành động nhỏ nhưng thiết thực của cộng đồng đã diễn ra khắp nơi, góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp. Các trường học đã tăng cường việc tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh bằng những việc làm cụ thể như không dùng giấy nilon bọc sách, vở; vận động các cơ sở đoàn, trường học, người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được để đổi cây xanh hoặc cây trang trí...

Thu Trang/Báo Tin tức
Hỗ trợ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế
Hỗ trợ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế

Nhằm hỗ trợ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì (theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách các đơn vị đủ năng lực để thực hiện tái chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN