Xây dựng xã hội học tập - Bài 1: Gia đình, dòng họ góp phần phát triển con người toàn diện

Phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời, trên khắp các vùng quê Việt Nam đã xuất hiện nhiều giải pháp, nhiều mô hình học tập hiệu quả.

Xây dựng gia đình, phát triển văn hóa trong từng gia đình, dòng họ và xây dựng xã hội học tập có vai trò cốt lõi trong quá trình phát triển, sự thịnh vượng của một quốc gia, mang lại hạnh phúc cho từng thành viên trong gia đình, dòng họ; góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống

Chú thích ảnh
Đồng bào Chăm ở làng Thành Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) luôn đề cao truyền thống hiếu học. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, thực tế cho thấy dòng họ Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm, đã đi cùng đất nước và có đóng góp to lớn trong tất cả các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước. Dù trong hoàn cảnh nào, dòng họ cơ bản vẫn giữ được tính tổ chức bền chặt, nền nếp, thuận hòa. Dòng họ Việt Nam luôn có tôn ti trật tự và luôn giữ gìn được những truyền thống quý báu của tổ tiên, đặc biệt là truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng, nhân ái...

Nhận thức được vai trò quan trọng của gia đình, dòng họ đối với việc giáo dục truyền thống, phát triển giáo dục - đào tạo, kinh tế - xã hội của đất nước, từ năm 1999, Hội Khuyến học Việt Nam đã đề nghị và sau đó được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện các mô hình học tập, trong đó có mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập".

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan cho biết, mục đích của việc thực hiện các mô hình này là vận động người dân học tập thường xuyên và suốt đời để bồi đắp tri thức, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương, từ đó xây dựng xã hội học tập ở nước ta. Đây là những mô hình đặc sắc không có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới và những danh hiệu này do Nhà nước quy định; việc đánh giá, phong tặng do chính quyền các cấp thực hiện. Nội dung của mỗi mô hình chứa đựng những nét đẹp truyền thống được tôn vinh qua từng tiêu chí, chứa đựng tình cảm và sự sáng tạo của lớp lớp thế hệ làm khuyến học, được các cấp lãnh đạo ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thực hiện và được các gia đình, dòng họ đồng tình hưởng ứng.

Hiện nay, nhiều dòng họ đã coi việc khuyến học, khuyến tài là nhiệm vụ xuyên suốt để phát huy truyền thống hiếu học của con cháu, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, tích cực dùng tri thức học tập để tạo lập cuộc sống cá nhân và cộng đồng sung túc, hạnh phúc hơn. Qua đó, nhiều gia đình, dòng họ tiêu biểu đã được vinh danh trong Đại hội biểu dương những mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc năm 2016 và 2021.

Qua thời gian 22 năm thực hiện đầy khó khăn, đến nay, thực tế đã chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, dòng họ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn nét đẹp văn hóa ở làng, xã, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thông qua việc thực hiện các  mô hình học tập. 

Tăng cường xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời

Chú thích ảnh
Học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm đọc sách tại Lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự bùng nổ internet, mạng xã hội, các ngành công nghiệp giải trí, các trào lưu xã hội… đã tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, lối sống của mỗi người dân, gia đình, dòng họ, quốc gia, đặc biệt là của giới trẻ (lực lượng chính xây dựng đất nước hiện nay và tương lai), tạo ra sự khác biệt giữa giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Điều này đòi hỏi những cách tiếp cận mới về phát triển văn hóa trong mối tương quan giữa xây dựng xã hội học tập với văn hóa dân tộc và con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, cần tăng cường xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời để tạo cơ hội học tập nhằm bồi đắp tri thức cho mọi người ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực để họ có đủ trình độ sàng lọc thông tin, phân biệt những ảnh hưởng tốt, chưa tốt của các trào lưu hiện nay.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, thời gian qua, tư duy và nhận thức về phát triển văn hóa, giữ gìn, phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam đã được nâng lên nhưng cần được nhìn nhận kết quả đó từ góc độ vai trò của gia đình, dòng họ một cách sâu sắc, thực tế và cụ thể hơn. Hiện nay, vai trò của gia đình, dòng họ trong vấn đề này rất lớn nhưng chưa được đề cập nhiều trong các công trình nghiên cứu và lan tỏa trong xã hội, đặc biệt là về văn hóa giáo dục, nhất là khi nguyên lý giáo dục là sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội đang bị mờ nhạt, trong khi giáo dục là con đường tạo dựng các hệ giá trị văn hóa.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan khẳng định trong bối cảnh hiện nay, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam thông qua giáo dục truyền thống từ gia đình, dòng họ đóng vai trò nòng cốt, là mạch nguồn để văn hóa dân tộc phát huy giá trị truyền thống, để hội nhập thành công. Bởi truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ là cơ sở hình thành văn hóa dân tộc Việt Nam.

Để phát huy văn hóa gia đình, dòng họ trong xây dựng, phát triển văn hóa của con người Việt Nam giai đoạn hiện nay, các cấp chính quyền, tổ chức, cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập, khuyến học - khuyến tài và xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa của gia đình đang chịu tác động mạnh mẽ từ những trào lưu và biến động của thế giới. Do đó, vai trò của gia đình hiện nay cần được nghiên cứu sớm để có chiến lược phát triển gia đình trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xây dựng tiêu chuẩn xã hội phù hợp; giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Doan cho biết, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã đề nghị hội khuyến học các địa phương hiểu sâu sắc hơn, nắm vững hơn vai trò của gia đình, dòng họ trong sự nghiệp phát huy giá trị văn hóa dân tộc và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong bối cảnh mới. Từ đó có những tham mưu chuẩn xác, kịp thời với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, để có kế hoạch quan tâm, phát triển các mô hình học tập nhằm phát huy văn hóa gia đình, dòng họ trong thời kỳ mới; khơi dậy, phát huy truyền thống quý báu của các gia đình, giữ gìn truyền thống văn hóa địa phương, phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, xây dựng quê hương ngày càng phát triển thông qua xây dựng xã hội học tập thành công.

Bài 2: Đa dạng mô hình, cách làm hay về khuyến học, khuyến tài

M.H (TTXVN)
Phong trào khuyến học gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Phong trào khuyến học gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Sáng 14/7, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ 3 cho các học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và người lớn có nhiều thành tích tiêu biểu trong học tập thường xuyên của 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dự lễ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN