Bệnh nhân sốt ruột, lo lắng tình trạng bệnh viện thiếu vật tư, hóa chất

Nhiều người bệnh phải hoãn lịch mổ, chờ đợi vì thiếu vật tư, hóa chất; các bệnh viện tuyến cuối đang gồng mình chống đỡ.

Chú thích ảnh
Người bệnh xếp hàng tại hành lang bệnh viện.

Trong giờ khám bệnh, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh, người nhà vạ vật ngồi chờ ở các hành lang, sân bệnh viện.

Cảnh chờ đợi ở bệnh viện với người dân đã vất vả, những ngày gần đây, có thông tin bệnh viện thiếu vật tư khiến lịch mổ bị chậm trễ còn khiến bệnh nhân càng lo lắng hơn.

Ngồi gặm tạm miếng bánh mì chờ ngoài ghế đá, bà V.T.T (ở Yên Bái) than thở: “Con trai tôi lên nhập viện để chờ mổ khớp háng từ hôm thứ 2, đến nay vẫn chưa có lịch mổ. Tình hình này, ít nhất cũng phải chờ hết tuần này, sang tuần không biết đã được xếp lịch hay chưa. Chúng tôi quê ở xa nên rất sốt ruột mong muốn con được mổ sớm, cảnh ban ngày trực chờ trông con trong viện, tối nằm tạm ghế ngủ rất khổ”.

Bị tai nạn phải chuyển tuyến lên Bệnh viện Việt Đức để mổ cấp cứu, anh P.T.H (ở Thanh Hóa) vừa làm xong thủ tục ra viện, thở phào cho biết: “Tôi chuyển lên diện mổ cấp cứu gãy xương nên được mổ ngay; còn những trường hợp không khẩn cấp tôi thấy nhiều người bị hoãn vì bệnh viện hết vật tư, thuốc men; theo tôi biết tình trạng thiếu vật tư đã xảy ra một thời gian khá dài. Cứ tình trạng này kéo dài thì bệnh nhân chúng tôi sẽ vất vả”.

Trước đó, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cũng đưa ra thông tin về việc phải dừng thực hiện các ca mổ phiên, chỉ mổ cấp cứu những ca nặng vì thiếu vật tư y tế, hóa chất. Tuy nhiên, là bệnh viện tuyến cuối về ngoại khoa, số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện vẫn rất đông. Bệnh viện cũng đang cố gắng để đảm bảo việc điều trị cho người bệnh.

Chú thích ảnh
Cảnh chờ đợi của người bệnh, người nhà tại bệnh viện.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề thiếu vật tư, hóa chất; cũng đang nỗ lực để gồng gánh số lượng người bệnh lớn. Khi được hỏi, nhiều bệnh nhân, người nhà tại đây cho biết, việc khám chữa bệnh vẫn được đảm bảo.

Tại khoa Cấp cứu A9, số lượng người bệnh nhập viện, chuyển từ tuyến dưới lên khá đông.

Anh N.T.V, người nhà đưa bệnh nhân vào phải cấp cứu do bị ngã cho biết: “Đưa người nhà vào khoa Cấp cứu, chúng tôi không gặp bất cứ khó khăn gì và cũng được xử lý nhanh. Tôi cũng nghe thông tin bệnh viện có tình trạng thiếu thuốc phải hoãn, dừng nhiều dịch vụ, nhưng trường hợp người nhà tôi nhập viện sau 1 ngày là được thực hiện mổ ngay nên cũng rất yên tâm. Bệnh viện tuyến trên mà bị thiếu thuốc, vật tư thì rất nguy hiểm, vì đa số khi được chuyển lên đây đều ở trong tình trạng nặng, cần xử lý ngay”.

Hiện Bệnh viện Bạch Mai cũng đang phải đối mặt với cùng những khó khăn chung của ngành y tế sau đại dịch COVID-19, nhất là vấn đề thiếu dụng cụ máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc. Mặc dù là hết sức khó khăn nhưng Bệnh viện vẫn cố gắng cao nhất để đảm bảo được người bệnh được khám và điều trị ở mức độ tốt nhất có thể.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tình cảnh của bệnh viện hiện nay khiến người bệnh phải chịu những thiệt thòi lớn. Với các bệnh viện tuyến dưới, khi hết vật tư, thiết bị họ có thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, tuyến cuối. Nhưng với bệnh viện tuyến cuối, bắt buộc phải tiếp nhận người bệnh, không thể chuyển bệnh nhân đi đâu được.

“Để đảm bảo khám, chữa bệnh khi số lượng bệnh nhân tăng một cách đột biến trong khi số lượng thiết bị thiếu và khó khăn, chúng tôi đã phải tổ chức lại hoạt động khám, chữa bệnh. Chúng tôi cũng động viên cán bộ, nhân viên đi làm sớm hơn, về muộn hơn; chia lại ca, kíp trực; các hệ thống phòng khám bắt đầu hoạt động từ 5 giờ sáng… Do vậy, về cơ bản Bệnh viện vẫn khắc phục được tình trạng thiếu thiết bị. Tuy nhiên, tình trạng này nếu kéo dài thì các thiết bị của chúng tôi cũng không còn sức tải nữa. Đây là vấn đề hết sức khó khăn. Bệnh viện cũng đã sử dụng nguồn ngân sách tiết kiệm và đang thực hiện các gói thầu mua tạm những thiết bị để có thể đảm bảo công tác khám, chữa bệnh”, PGS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ.

Theo đó, để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu vật tư, thiết bị, Bệnh viện đã và đang đề nghị các bộ, ngành, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị Chính phủ, đặc biệt là Bộ Y tế xem xét cấp cho bệnh viện nguồn ngân sách tạm thời để có thể mua được những thiết bị khẩn cấp phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng tổ chức đấu thầu thường xuyên; nếu thất bại, lại tiếp tục đấu thầu lại để duy trì đủ thuốc, đủ vật tư tiêu hao phục vụ người bệnh ở mức tối thiểu nhất.

Bệnh viện cũng đang phải hết sức nỗ lực và đã khẩn trương báo cáo Bộ Y tế, báo cáo các bộ, ngành liên quan để có phương án và giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

TN/Báo Tin tức
Không để các địa phương thiếu vật tư y tế phòng, chống dịch
Không để các địa phương thiếu vật tư y tế phòng, chống dịch

Ngày 6/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến với các sở, ngành địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN