Đắk Lắk: Còn rất nhiều ca mắc lao chưa được phát hiện, đưa vào quản lý, điều trị

Là một trong những tỉnh của khu vực Tây Nguyên còn nhiều ca mắc lao trong cộng đồng, tỉnh Đắk Lắk đang triển khai đồng bộ các chiến lược, giải pháp trong tầm soát, phát hiện và quản lý ca bệnh. Đắk Lắk phấn đấu sẽ chấm dứt dịch bệnh lao vào năm 2028.

Chú thích ảnh
Thăm khám và điều trị cho bệnh nhân mắc lao tại Đắk Lắk. Ảnh: BV

Theo TS.BS Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk: Mỗi năm, Chương trình phòng, chống lao của tỉnh chỉ phát hiện khoảng hơn 1.000 trường hợp mắc lao. Đáng lo ngại là số lượng bệnh nhân mắc mới và tái phát, tái nhiễm gia tăng nhiều. Những người mắc lao đa số là người nghèo, kém hiểu biết về căn bệnh, nên họ thường không đi khám bệnh khi có các dấu hiệu mắc lao.

Thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cứ 100.000 người dân, thì có khoảng 176 người mắc lao. Như vậy, với dân số tỉnh là khoảng 2 triệu người, thì 1 năm có ít nhất khoảng 3.500 người mắc lao mới. Điều đó cho thấy số lượng bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và đưa vào quản lý, điều trị còn rất nhiều.

Hiện tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện 3 chiến lược phòng chống lao.

Chiến lược thứ nhất là đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát hiện các trường hợp bệnh nhân mắc lao khi tới khám tại cơ sở y tế. Với chiến lược này, tất cả các bệnh nhân tới khám nếu có dấu hiệu ho, ho kéo dài, khó thở, đau ngực đều bắt buộc chụp X-quang phổi và làm các xét nghiệm liên quan nếu bác sĩ có chẩn đoán nghi ngờ mắc lao.

Chiến lược thứ 2 là triển khai khám chủ động. Các đối tượng đang sống trong cộng đồng nhưng nguy cơ cao mắc bệnh lao như những người sống cùng bệnh nhân lao, những người có biểu hiện mắc bệnh lao và những người già mắc bệnh mạn tính... sẽ được tầm soát và đưa vào sàng lọc.

Chiến lược thứ 3 là tầm soát, quản lý các ca mắc lao tiềm ẩn. Việc tầm soát lao tiềm ẩn rất quan trọng bởi lao tiềm ẩn là những người đang mang vi khuẩn lao trong người nhưng chưa phát ra bệnh.

Theo các chuyên gia, hiện nay, những thành viên của mạng lưới cộng đồng đóng vai trò là cánh tay nối dài của hệ thống y tế tại địa phương, tích cực hỗ trợ những người mắc lao điều trị thành công và người mắc lao tiềm ẩn hoàn thành điều trị.

Đặc biệt, vai trò y tế cơ sở là chìa khóa để phát hiện cũng như hỗ trợ giúp bệnh nhân lao điều trị dứt điểm bệnh lao.

Theo TS.BS Châu Đương, mạng lưới chống lao trong toàn tỉnh Đắk Lắk được phủ kín 184 xã, phường, thị trấn. Các cán bộ trạm y tế tuyến xã đã thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh lao. Các cán bộ y tế tuyến xã cũng tham gia quản lý, theo dõi... để bệnh nhân điều trị đúng theo phác đồ.

Tại Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, công tác thu dung, điều trị cho các bệnh nhân lao luôn được chú trọng. Để tăng hiệu quả hoạt động, Bệnh viện Phổi tỉnh đã đầu tư trang thiết bị mới, kỹ thuật cao đồng bộ, như: Máy nội soi màng phổi sinh thiết, máy đo chức năng hô hấp chuyên sâu, kháng sinh đồ hạng 2, kháng sinh đồ tạp khuẩn, hệ thống xét nghiệm nhanh phát hiện vi khuẩn lao Genxpert...

Cùng với đó là công tác chẩn đoán, điều trị đã có sự đổi mới nên công tác phòng, chống, điều trị lao đã đạt được những kết quả ban đầu.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề
Dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề

Chương trình Chống lao quốc gia cho rằng, muốn đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035, cần triển khai tối ưu các chiến lược, chính sách hiện có, đó là bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với phòng, chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN