Giành giật sự sống trong thời gian vàng cho bệnh nhân bị đột quỵ não

Thời tiết lạnh khiến số lượng người bị đột quỵ não tăng cao, nhất là ở người lớn tuổi. Đối với đột quỵ thì “thời gian là não”, chính vì vậy quá trình sơ cứu có thể quyết định tới việc giữ tính mạng, hoặc hạn chế di chứng cho bệnh nhân.

Trên thế giới, đột quỵ não luôn được xếp vào một trong những bệnh gây tàn phế và tử vong nhanh nhất. Tại Việt Nam, mỗi năm cũng có tới 200.000 người bệnh bị đột quỵ, trong đó đột quỵ nhồi máu não chiếm hơn 75%. Căn bệnh tiềm tàng nhiều nguy hiểm như vậy, nhưng không phải ai cũng có hiểu biết đủ để  có thể sơ cứu ban đầu cho người thân của mình.

TS.BSNT Đào Việt Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, đã  có chia sẻ về các bước sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân (BN) đột quỵ nhồi máu não.

Chú thích ảnh
TS.BSNT Đào Việt Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai.

Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể chia sẻ về dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đã bị đột quỵ nhồi máu não?

Trong những năm gần đây, số lượng BN đột quỵ não ngày càng gia tăng. Việc nhận biết dấu hiệu sớm của đột quỵ não là rất quan trọng. Như chúng ta đã biết, đối với đột quỵ thì “thời gian là não”. Càng phát hiện sớm và đưa BN bị đột quỵ não đến các bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ sớm, thì BN càng có nhiều cơ hội để phục hồi, trở lại cuộc sống độc lập hơn.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ não sớm phổ biến và dễ tiếp cận đó là dấu hiệu F.A.S.T, các bạn có thể thấy dấu hiệu này gần đây được xuất hiện khá thường xuyên trên các tấm pano, áp phích, hay được dán tuyên truyền trên các xe cứu thương hay các xe khách đường dài.

Thưa bác sĩ, các bước đầu tiên cần phải làm khi có người nhà bị đột quỵ nhồi máu não là gì?

Đầu tiên, khi có người nhà nghi ngờ bị đột quỵ não, chúng ta phải thật sự bình tĩnh, kiểm tra nhanh người bệnh bằng dấu hiệu F.A.S.T. Nếu nghị ngờ đột quỵ não, ngay lập tức hãy gọi 115 để được tư vấn, hướng dẫn bởi nhân viên y tế và đưa BN đến Bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất.  

Đặt BN ở tư thế an toàn, nên để BN nằm nghiêng, đề phòng trường hợp BN nôn, sặc, tụt lưỡi gây tắc nghẽn đường thở. Nới lỏng quần áo, phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn cổ, thắt lưng.

Nếu BN đột ngột hôn mê, ngừng thở hoặc thở bất thường và mạch cảnh không bắt được, cần phải tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho BN.

Không cho bệnh nhân ăn uống, sử dụng thuốc, cạo gió, châm chích đầu ngón tay, ngón chân. Nếu người bệnh có biểu hiện yếu ở tay chân, cần nhờ nhiều người hỗ trợ di chuyển.

Không nên để bệnh nhân nằm lâu một chỗ, nếu đảm bảo an toàn cần thiết, nên khẩn trương đưa đi cấp cứu.

Ghi chú lại thời điểm bệnh khởi phát biểu hiện đột quỵ bất thường và các loại thuốc người bệnh đang dùng.

Có rất nhiều gia đình ở Việt Nam khi thấy người thân có dấu hiệu bị đột quỵ liền cho uống các loại thuốc có sẵn trong nhà, với mong muốn cứu ngay người bệnh. Theo bác sĩ, điều đó có nên không?

Đối với BN đột quỵ não cấp, chúng ta không nên cho bệnh nhân ăn uống hay uống thuốc, đặc biệt là các thuốc không rõ nguồn gốc.

Thứ nhất,ở thời điểm ban đầu, các BN đột quỵ não cấp thường có tình trạng rối loạn ý thức, đi kèm là tình trạng rối loạn nuốt. Nếu chúng ta cứ cố gắng cho BN ăn uống có thể dễ khiến cho BN bị sặc đồ ăn, thức uống vào đường thở, dẫn đến nguy cơ gây suy hô hấp, viêm phổi, làm trầm trọng tình trạng bệnh nhân hơn.

Thứ hai, hiện tại chưa có các bằng chứng về các nghiên cứu trên thế giới về việc công nhận tác dụng của các loại thuốc được cho là có thể điều trị đột quỵ não, đặc biệt thuốc dùng cho giai đoạn cấp tính. Thậm chí, đôi khi một số trường hợp, chúng có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, chức năng đông máu của BN.

Chú thích ảnh
 Dấu hiệu nhận biết đột quỵ não sớm phổ biến và dễ tiếp cận đó là dấu hiệu F.A.S.T

Khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, nếu không gọi được xe cấp cứu gia đình cần phải làm thế nào, thưa bác sĩ?

Trong điều kiện giao thông của Việt Nam, chúng ta cũng rất hay gặp phải tình huống này, nhất là những bệnh nhân ở trong các khu dân cư đông đúc. Tuy nhiên, khi nghi ngờ bệnh nhân đột quỵ não, việc gọi cấp cứu 115 ngoài việc có thể vận chuyển BN an toàn, thì chúng ta còn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của nhân viên y tế để xử lý an toàn trong giai đoạn đầu khi bệnh nhân chưa tiếp cận trực tiếp được các dịch vụ y tế.

Chúng ta cần phải đánh giá cá thể hóa từng BN, xem bệnh nhân có đủ điều kiện an toàn để vận chuyển không? Chẳng hạn những BN chỉ nói khó đơn thuần hay tê yếu nhẹ một bên nửa người, chúng ta có thể chuyển họ bằng các phương tiện xe ô tô cá nhân đến bệnh viện.

Tuy nhiên đối với những BN hôn mê, rối loạn ý thức, hay những BN liệt nửa người nặng, chúng ta nên chờ xe cứu thương, tránh làm nặng BN hơn vì vận chuyển sai cách.

Điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cần phải có một thời gian dài. Sau khi ra viện người bệnh nên có chế độ chăm sóc và luyện tập thế nào, thưa bác sĩ?

Giai đoạn điều trị đột quỵ cấp thường rất ngắn, các nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng giai đoạn này thường chỉ kéo dài trong 24h đầu tiên sau đột quỵ và không phải BN nào cũng phù hợp để đủ tiêu chuẩn điều trị đột quỵ cấp. Vì vậy, đa phần ở thời điểm sau đó sẽ là vai trò quan trọng của điều trị dự phòng thứ phát và điều trị hồi phục.

Tại trung tâm đột quỵ, BN sẽ luôn được đánh giá kỹ lưỡng về các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân gây ra đột quỵ. Cùng với đó, BN cũng luôn được chú trọng thực hiện các biên pháp phục hồi chức năng sớm. Mục tiêu của chúng tôi là giúp BN có thể trở lại cuộc sống bình thường như trước và hạn chế các nguy cơ tái phát bệnh lần 2, 3.

Sau khi ra viện, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc và các dặn dò của bác sĩ. Chú ý các lịch thăm khám định kỳ, hãy nhớ rằng dự phòng tái phát đột quỵ là dự phòng suốt đời.

Chúng ta cần kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, mỡ máu. Tập thể dục ít nhất 5 lần/tuần ở cường độ trung bình.

Ngừng hút thuốc là và tránh hút thuốc lá thụ động. Giảm lượng cồn tiêu thụ, duy trì cân nặng lý tưởng.

Duy trì chế độ ăn lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế các thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn.

Thưa bác sĩ, làm thế nào để phòng được đột quỵ nhồi máu não khi trời lạnh?

Để dự phòng đột quỵ trong trời lạnh, trước hết chúng ta cần phải tuân theo các nguyên tắc chung như đã trình bày ở trên. Và nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ thêm một số nguyên tắc cơ bản để dự phòng đột quỵ trong thời tiết lạnh này như: Có chế độ ăn lành mạnh, uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh; Vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng; Cố gắng giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không xuống thấp dưới 25 độ; Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ là rất quan trọng;

Khi tham gia hoạt động thể chất, nên mặc nhiều lớp áo, khởi động kỹ trước khi tập, khi cơ thể ấm lên sau vận động thì có thể cởi bớt và mặc vừa đủ giữ ấm cơ thể, không nên ra ngoài trời tập thể dục khi quá sớm, nhiệt độ quá thấp; Tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch; Tránh uống rượu, bia, chất kích thích, đặc biệt trước khi ra ngoài trời lạnh; Tránh căng thẳng, stress kéo dài; Không tắm muộn, không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất để tắm.

Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ !

Thu Hương (thực hiện)
Đột quỵ não:  Ít bệnh nhân được cấp cứu trong giờ vàng
Đột quỵ não: Ít bệnh nhân được cấp cứu trong giờ vàng

Tại Việt Nam, hiện có hơn 100 đơn vị đột quỵ trên toàn quốc, điều này mang lại lợi ích rất lớn cho bệnh nhân đột quỵ, lại cơ hội phục tốt hơn nhờ những giải pháp điều trị, các bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo chuyên nghiệp trong việc chăm sóc bệnh nhân cũng như phục hồi chức năng sau đột quỵ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN