Hà Nội: Ra văn bản yêu cầu không lơ là, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát 

Những ngày qua, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội có diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới, dẫn đến số ca mắc bệnh tăng nhanh.

Chú thích ảnh
Thông thường, bệnh nhân bị số xuất huyết sẽ xuất hiện triệu chứng lâm sàng đỏ lòng bàn chân, bàn tay, sau đó xuất hiện các nốt ban dưới da. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đặc biệt, có nhiều ổ dịch bùng phát mạnh và kéo dài, trong đó tại xã Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội) sau hơn 3 tháng xuất hiện ổ dịch, số ca mắc mới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính đến ngày 14/8, xã Phùng Xá đã có tới 340 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và trở thành nơi ghi nhận nhiều ca bệnh nhất trên địa bàn Hà Nội.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cuối tháng 7/2023, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn bắt đầu gia tăng, với hơn 480 ca/tuần. Trong hai tuần đầu tháng 8/2023 (tính từ ngày 1 - 11/8), số ca bệnh tiếp tục tăng gấp 1,5 lần so với tháng 7 (khoảng 640 - 760 ca/tuần). Đáng chú ý, số ổ dịch sốt xuất huyết cũng tăng gấp 2 - 3 lần, từ 16 - 20 ổ dịch/tuần trong tháng 7 lên tới 59 ổ dịch/tuần (từ ngày 4 - 11/8). 

Trước tình hình đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 2578/UBND-KGVX ngày 15/8/2023 về việc tăng cường, chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các đơn vị không lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh.

UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác không để dịch bùng phát trên địa bàn quản lý; tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết Dengue; chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch...

Các địa phương thực hiện phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền với kết quả công tác phòng, chống COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác như: sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng…, trong đó có công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và vận động, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trong phòng, chống sốt xuất huyết. Kết quả đánh giá công tác được đánh giá qua số lượng bệnh nhân và kết quả xử lý các ca bệnh, ổ dịch trên địa bàn quản lý.

Đối với dịch sốt xuất huyết, UBND các quận, huyện, thị xã huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội tham gia triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy đảm bảo tất cả khu vực, hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế.

UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn quản lý, không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, nhà hàng... thuộc phân cấp quản lý của địa phương.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, Sở Y tế theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác như: sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng… trên địa bàn; đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại; tham mưu UBND thành phố các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch khoa học, kịp thời, phù hợp. 

Sở Y tế tăng cường giám sát dịch tễ COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác; triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát; tổ chức tốt việc khám, phân độ, phân tuyến, thu dung, điều trị bệnh nhân; chỉ đạo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuân thủ theo hướng dẫn. Sở phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông về COVID-19, các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng…, vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia các hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue để kịp thời định hướng, vận dụng truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Bình Thuận chủ động giám sát và xử lý kịp thời các ổ dịch, ổ bệnh sốt xuất huyết
Bình Thuận chủ động giám sát và xử lý kịp thời các ổ dịch, ổ bệnh sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bình Thuận vừa thông tin về trường hợp tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết. Đó là bệnh nhân nữ, sinh năm 1972, ngụ tại tổ 3, thôn 7, xã Nam Chính, huyện Đức Linh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN