Lo ngại việc Hà Nội quản lý bệnh viện tuyến cuối theo dự thảo Luật Thủ đô

Về nội dung chuyển các bệnh viện tuyến Trung ương về cho Hà Nội quản lý trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang lấy ý kiến, các chuyên gia đều cho rằng, Hà Nội không đủ sức gánh các bệnh viện tuyến Trung ương với “một núi” các nhiệm vụ mang tầm quốc gia.

Chú thích ảnh
Bên cạnh làm chuyên môn, các bệnh viện tuyến Trung ương còn phải cập nhật các kỹ thuật mới, hợp tác quốc tế, chuyển gia kỹ thuật. Ảnh: TTXVN

Hà Nội không đủ sức “gánh” các bệnh viện tuyến Trung ương

Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến; có nội dung "chuyển giao các cơ sở y tế do các Bộ, ngành quản lý về cho Hà Nội quản lý bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 19-NQ/TW" đang được các chuyên gia, đơn vị liên quan nêu ý kiến".

Trao đổi về nội dung này, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam cho rằng: “Nếu thực hiện như trong dự thảo Luật thì Hà Nội không thể quản lý được các bệnh viện tuyến Trung ương. Bởi ngay cả việc quản lý hệ thống y tế của Hà Nội hiện nay còn đang rất nhiều điều phải bàn. Hà Nội hiện có 42 bệnh viện công, 43 bệnh viện tư, 579 trung tâm y tế xã/phường và gần 3.900 phòng khám đa khoa và chuyên khoa, chưa kể hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh dược, trang thiết bị, phòng khám, bệnh viện… Với nhân lực y tế của Thủ đô hiện có thì chỉ làm những việc cơ bản như phục vụ khám chữa bệnh, y tế dự phòng và quản lý tốt hệ thống y tế của mình… đã là quá tải”.

Phân tích kỹ hơn năng lực y tế của Hà Nội, từ khi mới chỉ có 20 vạn người với một số bệnh viện sau ngày giải phóng cho đến hôm nay, dân số đã gấp hàng chục lần nhưng số bệnh viện hay các cơ sở y tế công cơ bản vẫn như vậy.

“Tôi có nhiều dịp đi hội chẩn ở các bệnh viện của Hà Nội như: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hay Bệnh viện Thanh Nhàn và thấy rất ái ngại. Bệnh nhân nặng đến mức cần phải thở máy và lọc máu.. mà vẫn phải nằm trên cáng, rất cực cho người bệnh và cũng rất vất vả cho nhân viên chăm sóc. Số lượng bệnh nhân ngoại trú rất nhiều, tới hàng chục vạn thẻ bảo hiểm y tế, số lượng tái khám, lĩnh thuốc hàng tháng rất đông, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Hà Nội cũng có xây dựng bệnh viện chuyên khoa Nhi của thành phố ở Hà Đông nhưng cũng chưa biết đến khi nào xong. Lại có thông tin Thành phố quy hoạch một bệnh viện mới ở một huyện ngoại thành, không lẽ người dân ở nội thành phải đi đến ngoại thành để khám chữa bệnh? Chưa kể các tình huống như tai nạn hay thảm họa có thể xảy ra, nếu có sự cố như vậy thì chuyển nạn nhân đi đâu? Mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng chúng ta nhận thấy sự phát triển chuyên môn của y tế công của Hà Nội so với các tỉnh thành khác như: Đà Nẵng, Quảng Ninh hay TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm”, GS.TS Nguyễn Gia Bình lo ngại.

Về việc nếu Hà Nội “gánh thêm” các bệnh viện tuyến Trung ương, theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, xem xét chức năng nhiệm vụ thì thấy, bệnh viện tuyến trung ương không chỉ điều trị cho người dân Hà Nội mà còn điều trị cho người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra các tỉnh phía Bắc… Những ca bệnh chuyển lên là những ca nặng, khó… Nếu đưa về Hà Nội quản lý với chất lượng như hiện nay liệu có đảm đương được?

Chưa kể còn các nhiệm vụ khác như đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện khác; nhất là tình huống khẩn cấp cần điều động gấp một lực lượng lớn đến giúp những địa phương có thiên tai, thảm họa thì sao, phối hợp điều hành với Bộ Y tế và các địa phương sẽ theo cơ chế nào?

Cũng lo ngại về năng lực của Hà Nội, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Có rất nhiều nhiệm vụ của bệnh viện tuyến Trung ương mà nếu chuyển về Hà Nội quản lý sẽ khó thực hiện. Đơn cử như việc xây dựng danh mục định mức kinh tế kỹ thuật cho Bộ Y tế; thí điểm mô hình hình thành chuỗi các bệnh viện… Những nhiệm vụ nay chỉ dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trung ương mới có điều kiện thuận lợi để triển khai. Chưa kể, với vai trò bệnh viện tuyến cuối của cả nước, các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt, đầu ngành của Bộ Y tế còn làm công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo nhân lực cho tuyến dưới tại các địa phương; nếu thuộc quản lý của Hà Nội các bệnh viện tuyến cuối sẽ khó thực hiện nhiệm vụ trên.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống y tế hiện nay đang vận động tốt, ổn định thì không nên có sự xáo trộn vì sẽ ảnh hưởng đến cả công cuộc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Với mô hình các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý hiện nay, ưu tiên hàng đầu của các cơ sở y tế tuyến cuối là cung ứng dịch vụ chăm sóc chuyên sâu và hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh khó khăn thì với mô hình do Hà Nội quản lý, ưu tiên hàng đầu sẽ dành cho việc phục vụ cộng đồng dân cư Thủ đô. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng khoảng cách chênh lệch về năng lực y tế cũng như thực trạng sức khỏe giữa Hà Nội, vùng Thủ đô với những tỉnh trung du, miền núi (vốn đang được các cơ sở y tế tuyến cuối của Bộ Y tế bù đắp).

Theo PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, việc chuyển các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội về để Hà Nội quản lý cần phải tham khảo Luật Khám, chữa bệnh, vì quy chế tổ chức hoạt động đã quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện tuyến Trung ương. Nếu đưa bệnh viện Trung ương về để Hà Nội quản lý còn mâu thuẫn với Luật Khám chữa bệnh về phân tuyến, phân hạng bệnh viện.

Về vấn đề này, ngày 1/8 vừa qua, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ trên địa bàn Hà Nội về công tác khám chữa bệnh và việc sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ theo dự thảo Luật Thủ đô. Tại cuộc họp, các đơn vị cũng đều thống nhất chung quan điểm là cần thiết giữ lại các đơn vị trực thuộc Bộ, do Bộ quản lý trên địa bàn Hà Nội vì sự phát triển chung của ngành y trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên toàn quốc.

Nếu chuyển các Bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý cũng sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới khả năng điều phối nhanh của Bộ Y tế trong trường hợp khẩn cấp về y tế, thay vì có thể nhanh chóng điều động nguồn lực sẵn có của mình, Bộ Y tế sẽ phải tham vấn với UBND Hà Nội để huy động các nguồn lực y tế của Hà Nội nhằm hỗ trợ các địa phương khác.

Hiện các ý kiến trên đang được tổng hợp và gửi Ban Soạn thảo dự án Luật Thủ đô cũng như các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế là bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành đều đủ tiêu chí ở lại Bộ Y tế theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các mô hình hiện tại đã phát huy hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các nội dung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến công tác y tế đều rất quan trọng và cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Bộ Y tế cũng đang giao các đơn vị liên quan hoàn thiện bản dự thảo có đầy đủ ý kiến của các đơn vị và bệnh viện về vấn đề này để trình lãnh đạo Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Việc chuyển các bệnh viện của Bộ Y tế về Hà Nội quản lý: Khó khả thi
Việc chuyển các bệnh viện của Bộ Y tế về Hà Nội quản lý: Khó khả thi

PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trao đổi với phóng viên báo Tin tức về nội dung chuyển các bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được lấy ý kiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN