Người đàn ông phải nhập viện cấp cứu vì uống rượu, bỏ thuốc điều trị

Thấy đường huyết ổn định nên anh Đ.H.N. (53 tuổi, TP Hồ Chí Minh) đã bỏ uống thuốc điều trị tiểu đường và bắt đầu uống 5 -7 ly rượu mỗi ngày. Sau một tháng uống rượu và bỏ uống thuốc tiểu đường, anh N. liên tục khát nước rồi bất ngờ sùi bọt mép, khó thở, mắt trợn ngược… Người nhà đã nhanh chóng đưa anh đến bệnh viện cấp cứu.

Ngày 4/4, bác sĩ Trương Trọng Tuấn, khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, lúc nhập viện, người bệnh đối diện ngưng tim, tử vong do không kiểm soát đường huyết khiến acid ứ đọng trong máu quá nhiều.

Chú thích ảnh
Sau 10 ngày điều trị, anh Đ.H.N. đã hồi phục sức khỏe, xuất viện ngày 4/4. Ảnh: BV

Theo đó, bệnh nhân N. được ê kíp bác sĩ, điều dưỡng nhanh chóng truyền dịch, nước điện giải, tiêm insulin liên tục để điều chỉnh đường huyết. Sau 4 giờ, đường huyết anh N. hạ xuống 500mg/dl và được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu để tiếp tục theo dõi đường huyết, nồng độ oxy và CO2 trong máu ở động mạch… Mỗi ngày, bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường cũng kiểm tra đường huyết, điều chỉnh liều insulin phù hợp cho bệnh nhân N.

Theo lời kể của người nhà, anh N. bị tiểu đường 15 năm và luôn hạn chế ăn tinh bột, món ngọt và ăn nhiều đạm, rau xanh. Thế nhưng, khi đi kiểm tra đường huyết thấy ổn định, anh N. bắt đầu uống 5 - 7 ly rượu mỗi ngày, không uống thuốc tiểu đường thường xuyên. Khi người nhà can ngăn thì anh N. cho rằng "bệnh tiểu đường có chết đâu mà lo". Hai ngày trước nhập viện, mỗi lần ăn vào anh N. lại ói ra. Gia đình tưởng bệnh cúm nên mua thuốc tây về cho anh uống nhưng tình trạng mỗi lúc nặng thêm, suốt đêm đói, khát nước liên tục.

Bác sĩ Trương Trọng Tuấn cho biết, rượu, bia đều có hàm lượng calo rỗng, không cung cấp cho cơ thể protein, chất béo, khoáng chất hoặc vitamin. Ở người bệnh tiểu đường, cơ thể không phản ứng với insulin hoặc thiếu insulin. Do đó, uống rượu càng gây khó kiểm soát lượng đường trong máu, dẫn đến hạ đường huyết (dưới 70mg/dl) hoặc tăng đường huyết nguy kịch tính mạng. Ngoài ra, khi uống rượu sẽ làm giảm hoặc thay đổi tác dụng của thuốc điều trị tiểu đường như: chlorpropamide, metformin, rosiglitazone… gây hạ đường huyết.

Khi hạ đường huyết, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng: đau đầu, run tay, buồn nôn, mờ mắt, khó tập trung, suy nghĩ lẫn lộn, nói lắp, gây co giật, hôn mê… thậm chí tử vong. Khi tăng đường huyết, người bệnh dễ gặp các biến chứng cấp tính: tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm toan ceton (máu chứa nhiều axit) gây buồn nôn, nôn mửa, hôn mê, tử vong…

Bác sĩ Tuấn cho biết, uống rượu thường xuyên còn khiến đường huyết tăng cao xuống thấp liên tục, lâu dần dẫn đến các bệnh mạn tính và biến chứng đái tháo đường như: suy thận, mờ mắt,  đái tháo đường…

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, người bệnh tiểu đường không nên uống rượu, bia và các thức uống chứa cồn. Trường hợp người bệnh ổn định, chỉ số đường huyết trong vòng 3 tháng (HbA1C) đạt mục tiêu điều trị (6,5% - 7%), thỉnh thoảng mới uống không quá 2 ly/ngày với nam và không quá 1 ly với nữ. Lưu ý, không uống khi bụng đói hoặc lượng đường trong máu thấp. Người bệnh tiểu đường cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ; luyện tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn uống (nhiều rau xanh, giảm tinh bột, chất béo…) để kiểm soát tốt đường huyết.

Khi có các dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, nôn ói… nên đến bệnh viện kiểm tra. Không nên tự ý mua thuốc không có chỉ định của bác sĩ vì dễ làm bệnh nặng hơn, nhanh chóng rơi vào nguy kịch.

Đan Phương/Báo Tin tức
Những điều người mắc tiểu đường cần chú ý trong dịp Tết?
Những điều người mắc tiểu đường cần chú ý trong dịp Tết?

Bác sĩ hướng dẫn những điều người mắc tiểu đường cần chú ý trong dịp Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN