TP Hồ Chí Minh: Giết mổ lợn, một người đàn ông nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn

Thông tin từ Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị này vừa cứu sống một bệnh nhân bị nhiễm bệnh liên cầu lợn. Bệnh nhân là người chăn nuôi lợn và trước đó có tham gia giết mổ lợn.

Theo đó, bệnh nhân nam 59 tuổi nhập viện tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng sốt kèm lạnh run, đau mỏi toàn thân, thỉnh thoảng xuất hiện tình trạng kích thích, la hét. Theo lời kể của người nhà, 10 ngày trước, bệnh nhân sốt, đau mỏi toàn thân, điều trị tại bệnh viện tuyến dưới và được chẩn đoán nhiễm virus cấp, bệnh ổn định và ra viện. Tuy nhiên, 3 ngày sau, bệnh nhân sốt lại, kèm lạnh run, đau đầu dữ dội, không nôn, tự dùng thuốc giảm đau không đỡ, xuất hiện tình trạng kích thích, la hét và đã được đưa đến Bệnh viện Quân y 175.

Tại đây, bệnh nhân nhanh chóng được đội ngũ nhân viên y tế thăm khám và chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, gout mạn tính. Qua khai thác dịch tễ và tiền sử bệnh, các bác sĩ được biết bệnh nhân là người chăn nuôi lợn và mổ lợn trước khi khởi phát bệnh 2 tuần. Do đó, bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó có xét nghiệm chọc dịch não tủy và gửi Khoa Vi sinh nuôi cấy. Kết quả cấy khuẩn mọc Streptococcus suis (liên cầu lợn). Việc xác định được khuẩn liên cầu lợn đã kịp thời hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng trong việc lựa chọn kháng sinh điều trị cho bệnh nhân. Hiện, bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Quân y 175.

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Khoa Vi sinh, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, liên cầu lợn là vi khuẩn cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục, tiêu hóa của lợn gây nhiễm trùng nặng ở lợn và có khả năng lây lan cho người. Đường lây chủ yếu do tiếp xúc, do sử dụng các chế phẩm từ thịt lợn thiếu an toàn như: những người có vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn. Những người trực tiếp giết mổ, chế biến thịt lợn và quá trình chăn nuôi lợn rất dễ bị nhiễm liên cầu lợn. Những người ăn các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín như tiết canh, gỏi, nem, nội tạng của lợn nhiễm liên cầu cũng rất dễ bị nhiễm liên cầu lợn. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng lây nhiễm liên cầu lợn từ người sang người.

Bệnh cảnh phổ biến nhất khi nhiễm liên cầu lợn là viêm màng não với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, gáy cứng, rối loạn tri giác, xuất huyết dưới da dạng chấm, mảng ở vành tai, mũi, mặt, thân mình… Trường hợp nặng gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê, tử vong nhanh.

Viêm màng não do liên cầu lợn nếu chẩn đoán điều trị muộn có thể bị điếc 1 bên hay 2 bên vĩnh viễn. Một số bệnh nhân phải điều trị dai dẳng, tái phát nhiều đợt. Nhiễm trùng liên cầu lợn mặc dù được điều trị, tỷ lệ tử vong chung cho các thể bệnh là 17%. Trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong rất cao lên đến 60 - 80%.

Hiện chưa có vaccine phòng liên cầu lợn. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, biện pháp phòng, chống lây nhiễm liên cầu lợn là chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Người dân không ăn lợn chết, lợn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống; phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, dùng riêng cho thịt sống và thịt chín; rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải thường xuyên phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn.

Đinh Hằng (TTXVN)
Hai người đàn ông nguy kịch do nhiễm khuẩn liên cầu lợn
Hai người đàn ông nguy kịch do nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Chiều 23/3, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm đang cấp cứu và điều trị cho hai bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN