Viết nên 'Câu chuyện mùa xuân’ cho bệnh nhân ung thư

“Câu chuyện mùa xuân” - chương trình dành riêng cho người bệnh ung thư do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức để lan tỏa thông điệp chiến thắng bệnh tật.

Chú thích ảnh
Các bệnh nhi vui vẻ múa hát trong chương trình Câu chuyện mùa xuân.

Trong không khí đầm ấm của chương trình “Câu chuyện mùa xuân” có cả những nụ cười, giọt nước mắt của nhiều bệnh nhân khi nhắc đến cuộc chiến với căn bệnh quái ác.

Chú thích ảnh
Y bác sĩ chia sẻ, trao đổi với các bệnh nhân ung thư.

Với anh Vũ Việt Thành (32 tuổi, ở Hưng Yên), cuộc chiến với căn bệnh ung thư máu đã khiến anh trở thành một chiến binh kiên cường. Trong cuộc chiến ấy, có những khi anh đã phải vượt qua giờ phút sinh tử, "chỉ cần buông xuôi, phó mặc là sự sống đã rẽ qua ngã khác”. Không chịu khuất phục căn bệnh được coi như “án tử”, anh đã liều quyết định điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Sau khi trải qua những đợt hóa trị và đạt tình trạng lui bệnh hoàn toàn, anh đã được ghép tế bào gốc nửa hòa hợp từ em trai ruột của mình. Những đau đớn không tưởng tượng nổi khi anh phải đối mặt với hàng loạt tác dụng phụ của các biện pháp điều trị, nhất là trong giai đoạn bị suy giảm miễn dịch, nhưng trước nỗ lực quyết tâm của các y, bác sĩ, trước hy vọng của cả gia đình, anh đã vững vàng vượt qua.

“Chưa đầy 1 năm sau khi vượt qua cánh cửa tử thần, tôi không những hồi phục, mà thậm chí đã có thể chinh phục được đường chạy Full Marathon 42 km. Ung thư đã không còn là án tử”, anh Thành chia sẻ với nụ cười mãn nguyện.

Chú thích ảnh
Anh Vũ Việt Thành (32 tuổi, ở Hưng Yên) kể lại câu chuyện chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Hay khát vọng sống cũng là động lực mạnh mẽ với em Vũ Minh Đức, cậu bé đã có hành trình dài 10 năm chiến đấu với ung thư máu và chưa bao giờ từ bỏ khát vọng đến trường. Sự nỗ lực hợp tác điều trị đã được đền đáp bằng việc em không chỉ liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, mà còn có thể say mê với võ thuật, bơi lội.

“Dù hoàn cảnh thiếu thốn, phải làm đủ công việc từ dọn nhà thuê, bán hàng, đến bán bảo hiểm, tôi vẫn luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con, để con được điều trị tốt, được sống khỏe mạnh”, chị Trần Thị Hồng Thắm, mẹ của Đức cho biết.

Bệnh tật thứ làm cho người ta yếu mềm nhất, nhưng với những bệnh nhân ung thư, dường như trong họ luôn là sự mạnh mẽ, kiên cường, để vươn lên giành lấy sự sống. Bởi vậy, những điều kỳ diệu cũng nhân lên.

Để lan tỏa tinh thần chiến thắng bệnh tật, động viên người bệnh, câu chuyện về những cuộc hành trình phi thường ấy đã được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tập hợp lại và cho ra đời ấn phẩm “Còn mãi yêu thương” như món quà tinh thần, dành tặng người bệnh trong Chương trình “Câu chuyện mùa xuân”. Ở đó là những câu chuyện, chia sẻ với những suy nghĩ lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống và tin tưởng vào hiệu quả điều trị cho những người đang chiến đấu với căn bệnh ung thư máu.

Từng trang viết là những chia sẻ chân thật về từng khoảnh khắc vừa mong manh, vừa mạnh mẽ trên chặng đường vượt qua bệnh tật; là những câu chuyện về ý chí mãnh liệt, chan chứa yêu thương với cuộc sống, với những người thân yêu và cả những người cùng mắc bệnh ung thư.

Tại chương trình "Câu chuyện mùa xuân", các y, bác sĩ còn cập nhật một số thông tin trong điều trị và góp phần chia sẻ, nâng đỡ tinh thần người bệnh, người nhà người bệnh, để họ thêm vững vàng, lạc quan, yên tâm điều trị.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, mỗi ngày Viện điều trị cho khoảng 1.200 - 1.300 người bệnh, trong đó có trên 50% là người bệnh ung thư máu. Trong quá trình đồng hành cùng người bệnh, các y, bác sĩ đều thấu hiểu những giây phút khó khăn của họ khi tiếp nhận thông tin bệnh, sự mệt mỏi, gian truân của những người đồng hành trong suốt hành trình người bệnh chiến đấu với bệnh tật.

Ấn phẩm “Còn mãi yêu thương” sẽ như “liều thuốc” tiếp thêm niềm tin và sức mạnh tinh thần, giúp cho người bệnh tìm được cuộc sống thứ hai, tìm thấy những tia hy vọng, tìm thấy bến bờ của bình an và hạnh phúc. Người bệnh sẽ cùng chúng tôi, cùng gia đình vượt qua những chặng đường chông gai đó”, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh chia sẻ.

Tin, ảnh: Tạ Nguyên
Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4/2: Khoảng cách nguy hiểm
Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4/2: Khoảng cách nguy hiểm

“Thu hẹp khoảng cách chăm sóc” là chủ đề xuyên suốt của chiến dịch kéo dài 3 năm, được khởi động từ năm 2022 nhân Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4/2, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc ung thư sẽ tăng 81% tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2040 do thiếu nguồn lực đầu tư cho việc phòng ngừa và điều trị căn bệnh nguy hiểm này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN