2 nguyên nhân lớn khiến Trung Quốc phá giá đồng tiền

Việc Trung Quốc vừa hạ tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD trong ngày thứ ba liên tiếp đã châm ngòi cho những quan ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ. Vậy lý do khiến nước này quyết định phá giá đồng NDT là gì?

Trung Quốc ngày 13/8 đã hạ tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ so với đồng USD trong ngày thứ ba liên tiếp. Ảnh: EPA


Theo Neil Irwin, phóng viên kinh tế cao cấp của tờ New York Times, đây là hai điều mà chính phủ Trung Quốc muốn: Đầu tiên, để cho nền kinh tế nước này đứng vững, duy trì tăng trưởng và việc làm cao. Thứ hai, để đồng NDT trở nên ưu việt hơn trên toàn cầu, giúp thúc đẩy các mục tiêu ngoại giao của Bắc Kinh và củng cố vai trò trung tâm của nước này trong nền kinh tế toàn cầu.

Thường thì những mục tiêu trên là mâu thuẫn với nhau. Nhưng ngày 11/8 vừa qua, Trung Quốc đã làm một điều mà họ cho rằng sẽ thúc đẩy cả 2 mục tiêu trên cùng lúc. Kết quả trước mắt là một sự phá giá đồng tiền, với việc giá trị đồng NDT của Trung Quốc giảm 1,8% so với đồng USD và 2,2% so với đồng euro hôm 11/8.

Đó là một sự thay đổi lớn đối với đồng NDT, vốn từng được Bắc Kinh duy trì một chính sách biên độ giao dịch chặt chẽ - thực thi bằng cả những rào cản pháp lý trong việc chuyển nhượng vốn và hàng nghìn tỷ USD dự trữ của chính phủ. Thông thường, đồng NDT sẽ chỉ dịch chuyển một phần rất nhỏ so với đồng USD trong một ngày nhất định; thay đổi lớn nhất trong năm nay được ghi nhận ở mức 0,16%.

Việc điều chỉnh giá trị của một đồng tiền khoảng 2% không phải là lớn và chắc chắn không gây ầm ĩ về vấn đề phá giá. Trong năm qua, đồng euro đã giảm khoảng 18% và đồng yên Nhật đã giảm mạnh khoảng 22% so với đồng USD. Nhưng điều khiến cho động thái trên của Trung Quốc gây được sự chú ý là cách tiếp cận của nước này đối với vấn đề tiền tệ và kinh tế, và về vai trò của Bắc Kinh trong hệ thống tài chính toàn cầu trong tương lai.

Không còn nghi ngờ gì rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong thời kỳ khó khăn, và có lẽ có điều gì đó còn tồi tệ hơn. Tăng trưởng đã xuống mức dưới 2 con số trong vài năm trước, và mô hình tăng trưởng theo hướng xuất khẩu và đầu tư của nước này được cho là đang “kiệt sức” sau một thế hệ của sự thịnh vượng. Sự lao dốc của thị trường chứng khoán trong vài tháng vừa qua cũng đã không được hỗ trợ một cách kịp thời.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tìm cách để khẳng định hơn về vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế toàn cầu, và một phần quan trọng trong đó là thúc đẩy để đồng NDT trở thành một đồng tiền dự trữ quốc tế. Đồng USD và đồng euro có ảnh hưởng và sự hữu dụng vượt xa biên giới của các quốc gia sử dụng chúng, và Trung Quốc muốn đồng NDT có một vị thế tương tự trong thương mại và tài chính toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á.
 

Các thị trường chao đảo vì mối lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỉ giá đồng NDT. Ảnh: Reuters


Nhưng Trung Quốc không thể có một đồng tiền dự trữ toàn cầu khi nước này vẫn duy trì tất cả những rào cản mà Bắc Kinh khẳng định có lợi ích trong việc việc giữ quyền kiểm soát nền kinh tế trong nước.

Đồng USD sẽ không đóng vai trò trung tâm trong nền tài chính toàn cầu nếu chính phủ Mỹ biến nó trở thành “bất hợp pháp” để trao đổi với các đồng tiền khác trong nhiều tình huống hay sử dụng các điều luật cấm và biện pháp can thiệp tích cực để duy trì giá trị của nó trong một khoảng dao động nhằm ứng phó với các lực lượng thị trường.

Nói cách khác, Trung Quốc đã muốn có một số lợi ích ngoại giao mà nước này sẽ đạt được nếu đồng NDT trở thành một đồng tiền quan trọng hơn ở nước ngoài, mà không phải trả giá ở trong nước.

Mới tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng đồng NDT vẫn chưa thực sự sẵn sàng để tổ chức này sử dụng cho "quyền rút vốn đặc biệt", một tài sản dự trữ mà hiện đang là sự kết hợp của đồng USD, euro, yên và bảng Anh. Christine Lagarde, Giám đốc điều hành của IMF, cho biết Trung Quốc cần phải làm cho đồng NDT được "tự do sử dụng" nhiều hơn. Và sự thay đổi chính sách tiền tệ vào ngày 11/8 của Bắc Kinh là một bước theo hướng đó.

Điều đó không có nghĩa là không có tổn thất. Đồng NDT rẻ hơn sẽ có nghĩa là lạm phát cao hơn và sẽ tạo ra một gánh nặng lớn cho các công ty Trung Quốc vốn đang có các khoản nợ bằng đồng USD, dẫn đến nguy cơ tạo ra một vòng thất bại mới.

Có lẽ quan trọng hơn, khi Trung Quốc tự do hóa tiền tệ, Bắc Kinh sẽ từ bỏ một công cụ rất quan trọng mà chính phủ đã sử dụng trong nhiều năm để quản lý nền kinh tế và bảo vệ mình khỏi bị “tấn công” bởi các lực lượng kinh tế toàn cầu. Lãnh đạo Trung Quốc đã miễn cưỡng từ bỏ quyền lực đó, và đó là lý do tại sao tuyên bố điều chỉnh tỷ giá mới đây của Trung Quốc đã tạo một cú sốc đối với thị trường toàn cầu.

Nhưng điều đó thường không phải là một lựa chọn chính sách giúp đạt được hai mục tiêu quốc gia lớn cùng một lúc. Và khi phải đối mặt với một sự lựa chọn như vậy, hy vọng sẽ xuất hiện các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng từ bỏ một chút quyền lực để nước này có kết quả kinh tế tốt hơn và một vai trò lớn hơn trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Công Thuận (Theo NYT)
Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ
Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã điều chỉnh tăng tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD lên 0,05%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN