Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi): Kỳ vọng 'hồi sinh' cho bất động sản

Với 432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%), ngày 18/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một trong những thông tin được đặc biệt mong đợi trong những ngày đầu năm 2024 bởi Luật Đất đai là một bộ luật lớn có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực; trong đó có bất động sản.

Chú thích ảnh
Ảnh tư liệu, minh hoạ: TTXVN

Đặc biệt, ở giai đoạn này, Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ giải quyết các vướng mắc pháp lý, nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các dự án; góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch, bền vững…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều; đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Các chuyên gia nhận định, tính từ Luật Đất đai năm 1993, cứ mỗi 10 năm, Quốc hội lại có những sửa đổi cơ bản nhằm ban hành văn bản mới thay thế văn bản cũ. Điều này đã cho thấy những thay đổi tích cực trong tư duy lập pháp. Dự án Luật này được các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng mong đợi với kỳ vọng sẽ tháo gỡ những “nút thắt” tồn tại kéo dài trong nhiều năm qua. Đặc biệt, pháp lý đang là vấn đề doanh nghiệp mong chờ được tháo gỡ nhất.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét, dù thị trường bất động sản đã có nhiều tín hiệu lạc quan hơn trước nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng xuống tiền tại thời điểm này. Nguyên nhân là do họ vẫn đang chờ đợi dự án mới, dự án sửa đổi từ các luật mới được thông qua. Do đó, chỉ đến khi các luật liên quan đến bất động sản được chính thức thông qua, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp thị trường có định hướng rõ ràng hơn; đặc biệt, kỳ vọng sẽ "hồi sinh" những dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý.

Đặc biệt, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua ngay từ đầu năm 2024 sẽ tạo sức mạnh đồng bộ, giúp khơi thông nguồn lực. Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở là những luật có tác động trọng yếu tới thị trường bất động sản hiện nay. Chính vì vậy mà các nhà đầu tư vẫn đang trông đợi và muốn nắm rõ định hướng điều tiết thị trường khi có khung pháp lý mới.

Hành lang pháp lý liên thông này sẽ mang lại cho các nhà đầu tư một khung pháp lý rõ ràng để có thể triển khai dự án mới một cách trơn tru; giúp quản lý thị trường bất động sản một cách ổn định, minh bạch - ông Đính khẳng định.

Theo ông Đính, thị trường bất động sản năm 2024 được kỳ vọng với chu kỳ phát triển mới, định hướng là những sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực cho người dân. Tuy nhiên, dù các luật liên quan trực tiếp tới bất động sản chính thức thông qua những vẫn sẽ cần thêm một khoảng thời gian nữa để áp dụng vào thực tế. Lúc đó, các dự án bất động sản mới sẽ nhanh chóng được triển khai nhiều hơn, giúp giải quyết bài toán cân bằng cung cầu, bình ổn giá cả thị trường.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định, nếu pháp lý chưa hoàn thiện thì doanh nghiệp rất khó làm, nhất là khi thị trường bất động sản đang trầm lắng như hiện nay. Bởi vậy, Luật Đất đai vừa được thông qua là tín hiệu vui, giúp doanh nghiệp có thể tính toán đường hướng phát triển cho giai đoạn mới. Đặc biệt, sẽ giải phóng tâm lý co cụm, né tránh của cán bộ thực thi chính sách.  

Cộng đồng doanh nghiệp mong đợi Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua và các luật liên quan như Nhà ở, Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực sẽ tác động mạnh đến sự phát triển, hồi phục của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các dự án triển khai thủ tục đầu tư từ năm 2022 đến khi các luật này cùng có hiệu lực (2025) thì sẽ chịu tác động lớn do những thay đổi về hành lang pháp lý.

Do đó, doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng quan tâm vấn đề chuyển tiếp các dự án nằm trong thời kỳ thay đổi giữa luật cũ và luật mới và có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp khi thực hiện. Việc ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể, kịp thời cũng rất quan trọng, sẽ giúp cho những khó khăn được khơi thông và thúc đẩy sự hồi phục tích cực của thị trường bất động sản - ông Hiệp bày tỏ.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW kỳ vọng, Luật Đất đai mới nhất được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đất chặt chẽ có hiệu quả, tháo gỡ các vấn đề là điểm nghẽn về nguồn lực đất đai. Điển hình như về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giá đất, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư.

Cùng đó là thuế - công cụ thuế góp phần thúc đẩy chuyển dịch đất đai đóng góp cho nguồn thu ngân sách, nguồn thu của Nhà nước, nguồn thu của xã hội sẽ sát thực tế; đồng thời giúp hoàn thiện vấn đề vốn hóa đất đai, vốn hóa quyền sử dụng đất thúc đẩy thị trường bất động sản…

Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi được cả xã hội đón nhận với mong đợi những điểm nghẽn, nút thắt về chính sách sẽ nhanh chóng được tháo gỡ và loại bỏ. Từ đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; góp phần tạo ra những nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thu Hằng (TTXVN)
Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV

Sau 3,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, trí tuệ và trách nhiệm cao, sáng 18/1, Quốc hội tiến hành phiên họp bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Báo Tin tức xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN