Tìm giải pháp phát triển thị trường bất động sản năm 2024

Chiều 18/1 tại TP Hồ Chí Minh, Báo Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Cộng đồng Review bất động sản và các đơn vị liên quan đã tổ chức Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” để tìm ra giải pháp khôi phục thị trường bất động sản trong năm 2024.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Diễn đàn Thị trường bất động sản 2024 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. 

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, công điện và nhiều chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt để thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực vào cuộc để triển khai tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án bất động sản tại các địa phương. Kết quả là thị trường bất động sản cuối năm 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nguồn cung đã từng bước cải thiện, nguồn vốn dần được khơi thông.

Theo đó, toàn ngành đã vượt và đạt 10/12 chỉ tiêu đề ra, trong đó hoàn thành 5/5 chỉ tiêu được Chính phủ giao. Một số chỉ tiêu chính như tăng trưởng ngành xây dựng đạt 7,06%, tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,7%, diện tích nhà ở bình quân cả nước đạt 26m2 sàn/người… Tính chung cả năm 2023, cả nước có 68 dự án BĐS được cấp phép mới, quy mô gần 25.000 căn; 71 dự án hoàn thành xây dựng, quy mô hơn 29.000 căn và 197 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Lượng giao dịch BĐS trong 6 tháng cuối năm 2023 gia tăng so với giai đoạn đầu năm. Ngoài ra, tổng lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền) 6 tháng cuối năm bằng khoảng 113%, tăng 13% so với 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ giảm 17%, đất nền tăng 28,4% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Đối với phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), năm 2023, cả nước đã có 44 dự án NƠXH với quy mô 36.262 căn hoàn thành hoặc đã được cấp phép, khởi công xây dựng; trong đó có 28 dự án hoàn thành, quy mô 13.864 căn. Đối với giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho NƠXH, có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay ưu đãi với nhu cầu vay vốn là 27.966 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án NƠXH tại các địa phương đã được giải ngân.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực hơn vào cuối năm 2023, nhưng nhìn tổng thể năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với thị trường BĐS. Vì vậy, trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững tại Nghị quyết số 33/NĐ-CP của Chính phủ; Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023; Công điện số 1376/CĐ-TTg ngày 17/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp lý cho thị trường BĐS. Đặc biệt, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho thị trường BĐS như: chỉ đạo triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NƠXH, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp; tiếp tục đẩy mạnh phát triển NƠXH, phấn đấu năm 2024 hoàn thành 130.000 căn NƠXH…

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Diễn đàn Thị trường bất động sản 2024.

Ngoài ra, để thị trường BĐS tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp BĐS cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Đối với hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản… Đối với hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý, đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ. Về giá thành sản phẩm bất động sản, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.

Theo các chuyên gia bất động sản, dự báo trong giai đoạn 2024 - 2025, các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư mới sẽ được giải quyết và thị trường bất động sản sẽ phục hồi khi Luật Đất đai 2023 được thực hiện đúng tiến độ và sẽ có hiệu lực trong nửa cuối năm 2024. Nhờ đó, nguồn cung trên thị trường gia tăng, tạo điều kiện cho ngành khôi phục hơn.

Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, để thị trường bất động sản khôi phục mạnh mẽ trong năm 2024, các Bộ, ban ngành cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án bất động sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời hướng dẫn và xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy các địa phương công bố những dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện triển khai vay vốn thuộc chương trình tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi): Kỳ vọng 'hồi sinh' cho bất động sản
Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi): Kỳ vọng 'hồi sinh' cho bất động sản

Với 432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%), ngày 18/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một trong những thông tin được đặc biệt mong đợi trong những ngày đầu năm 2024 bởi Luật Đất đai là một bộ luật lớn có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực; trong đó có bất động sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN