Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Đánh giá bổ sung hiệu quả tổ chức lao động, dạy nghề ngoài trại giam

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, sáng 3/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Dạy nghề cho phạm nhân cần cả trong và ngoài trại giam

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Phạm Trọng Nghĩa. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết, kinh nghiệm thế giới cho thấy, nhiều nước đã giao nhà tù cho khối tư nhân quản lý nên việc tư nhân tham gia vào việc thi hành án, trong đó có tổ chức lao động là tiền lệ đã có ở quốc tế. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra nên tham vấn thêm ý kiến của Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Hà Nội; phạm vi thí điểm chỉ nên giới hạn ở lĩnh vực sản xuất trong nước, mẫu thí điểm chỉ nên thu gọn ở 10% số trại giam, thời gian thí điểm nên là 3 năm.

Nêu ý kiến cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho phạm nhân tìm được việc làm ổn định sau khi chấp hành xong án phạt tù, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, được học nghề trong trại giam nhưng khi chấp hành xong án phạt tù thì tìm việc làm là một thách thức lớn đối với phạm nhân trong quá trình nỗ lực hoàn lương. Nhiều người sau khi mãn hạn tù rơi vào cảnh vô gia cư hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Trong quá trình đi tìm việc làm họ vấp ngay phải tình trạng các doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào sự phục thiện của họ nên không sẵn sàng tiếp nhận.

Do đó đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, các cơ quan nên quan tâm hơn đối với công tác đào tạo, dạy nghề cho phạm nhân không chỉ ngoài trại giam mà cả trong trại giam.

Nhất trí việc cho phép thực hiện thí điểm mô hình trong thời hạn 5 năm, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) nêu rõ: Số lượng trại giam được thực hiện không quá 1 phần 3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an là phù hợp. Song để có khả năng tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, tính phù hợp quy định pháp luật và hiệu quả của mô hình thì việc lựa chọn danh sách các trại giam được áp dụng thí điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Phải vừa mang tính đại diện vùng, miền, địa bàn, vừa phản ánh được tính chất, đặc điểm về quy mô, số lượng phạm nhân được giao quản lý chứ không phải là lựa chọn những nơi có điều kiện thuận lợi gần các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển sẽ thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác- đại biểu Nguyễn Phương Thủy thảo luận.

Cho rằng cần cân nhắc, thận trọng khi tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) tranh luận: Việt Nam hiện nay tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có các quy định về lao động cưỡng bức dẫn chiếu đến của Công ước của Tổ chức Lao động thế giới (ILO).

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO. Các quyền này được quy định trong 8 Công ước cơ bản của ILO với nền tảng: Tự do liên kết và công nhận hiệu quả của thương lượng; loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm nghề nghiệp. Mặc dù Việt Nam chưa phê chuẩn hết tất cả các Công ước của ILO, tuy nhiên, với tư cách là thành viên thì đối với các 8 Công ước cơ bản, các nước thành viên phải có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện.

Chính vì thế, quan điểm thận trọng với việc tổ chức lao động ngoài trại giam đối với phạm nhân nên được cân nhắc- Đại biểu Đinh Ngọc Quý nhấn mạnh.

Bày tỏ những băn khoăn tại hội trường, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) cho biết: Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu đều nghe phản ánh về tình hình trật tự an ninh và cần phải được quan tâm nhiều hơn. Việc đưa phạm nhân ra ngoài trại tạm giam lao động ít nhiều làm người dân lo lắng, hoang mang. Chưa kể đến việc bố trí phương thức quản lý, quản lý về công cụ hỗ trợ đối với phạm nhân nữ… là những nội dung chưa được Báo cáo đánh giá tác động làm rõ.

Thí điểm phải bảo đảm an toàn, tự nguyện, bình đẳng

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lý giải: Để phù hợp với trình độ của phạm nhân, ngành nghề được tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân được lựa chọn các ngành nghề phổ thông có tính tương đồng với mặt bằng chung của xã hội, ưu tiên các ngành nghề sản xuất hàng hoá tiêu thụ trong nước.

Các ngành nghề tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề không thuộc danh mục các ngành, nghề có mức độ lao động độc hại, nguy hiểm theo quy định.

Về quy định các đối tượng không được đưa ra sử dụng lao động sản xuất, dạy nghề ngoài trại giam, theo Bộ trưởng Tô Lâm, về tội danh cụ thể phạm nhân, lý do đưa ra phạm nhân về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh,  trên thực tế hiện nay chưa có những phạm nhân phạm tội này thực hiện thi hành án trong trại giam Việt Nam. Tuy nhiên, trong dự kiến có những phạm nhân chấp hành án về điều này thì đều có những yếu tố quốc tế cho nên xem xét về tính chất, mức độ nguy hiểm, nhạy cảm cũng tội phạm trên nên đề xuất không đưa lao động hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.

Với những phạm nhân có thân nhân xấu, tính chất, mức độ tội phạm nguy hiểm cần phải quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ trong trại giạm- Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, việc cấp giấy chứng chỉ nghề trong thời gian phạm nhân đang tham gia lao động, học tập, học nghề đã có quy định cụ thể trong Luật Thi hành án hình sự. Những người dưới 18 tuổi, phạm nhân trong độ tuổi thanh, thiếu niên đến 30 tuổi chưa có nghề nghiệp, phạm nhân có mức án dưới 5 năm tù với chuẩn bị chấp hành án phạt tù sẽ được ưu tiên bố trí học nghề, nâng cao tay nghề. Mỗi phạm nhân chỉ được học một nghề.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận không khí thảo luận sôi nổi. Các ý kiến phát biểu tập trung, khách quan, thắng thắn, nhiều thông tin, có căn cứ rõ ràng, có giá trị lí luận và thực tiễn sâu sắc thể hiện sự quan tâm nghiên cứu và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề trong nghị quyết.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhất trí với phạm vi và nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết; đồng thời cho ý kiến về cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý của việc ban hành nghị quyết thí điểm, sự tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đề nghị Chính phủ có đánh giá bổ sung hiệu quả tổ chức lao động, dạy nghề, hướng nghiệp ngoài trại giam thời gian qua...

Về các nội dung cụ thể, các đại biểu tập trung về mục đích, quan điểm xây dựng nghị quyết và về nguyên tắc thực hiện thí điểm bảo đảm an toàn, tự nguyện, bình đẳng; số lượng trại giam về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm có các chủ thể...

Về quy định các trường hợp phạm nhân không được đưa ra khâu lao động, hướng nghiệp dạy nghề ngoài trại giam, giao Chính phủ quy định chi tiết đối tượng và trình tự thủ tục, đề nghị Chính phủ cân nhắc đối tượng dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai cho con bú...

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Bên lề Quốc hội: Mở rộng phạm vi ưu đãi trong Luật Dầu khí (sửa đổi) để thu hút đầu tư
Bên lề Quốc hội: Mở rộng phạm vi ưu đãi trong Luật Dầu khí (sửa đổi) để thu hút đầu tư

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 Chương 64 điều, kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN