Đồng Nai khai thác lợi thế sân bay để dẫn đầu

Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến năm 2026 giai đoạn 1 của dự án này sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.

Chú thích ảnh
Nhà ga hành khách sân bay Long Thành đang thi công phần ngầm, chuẩn bị tiến hành bê tông cốt thép. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Đây là một trong những dự án quốc gia lớn nhất hiện nay, khi đưa vào vận hành sẽ tạo động lực lớn cho tỉnh Đồng Nai và cả khu vực Nam bộ phát triển nhanh, bền vững. Để tận dụng lợi thế lớn này, tỉnh Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch phát triển tương xứng các lĩnh vực thế mạnh như công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ và đô thị... 

Phấn đấu trở thành trung tâm logistics quốc tế

Trên cơ sở lợi thế sẵn có, tỉnh Đồng Nai định hướng tập trung phát triển công nghiệp hiện đại cùng với phát triển thương mại - dịch vụ - logistics. Theo đó đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền Nam với hệ thống cơ sở hạ tầng năng động, toàn diện, linh hoạt, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, hàng hải và đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, kho bãi của các doanh nghiệp trong vùng. Với những lợi thế đó, Đồng Nai sẽ là trung tâm logistics quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Đồng Nai đang triển khai hàng loạt các công trình, hạng mục phục vụ cho phát triển ngành thương mại dịch vụ logistics như 2 sân bay (sân bay quốc tế Long Thành và sân bay Biên Hòa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là sân bay lưỡng dụng); cảng biển, cảng cạn, 4 trung tâm logistics, các tuyến đường sắt/cao tốc, bến xe với tổng quy mô dự kiến khoảng 9.000 ha. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai giao cho các ngành đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tạo tiền đề cho phát triển thương mại dịch vụ số.

Để tỉnh Đồng Nai nói chung và khu vực sân bay quốc tế Long Thành nói riêng phát triển xứng tầm với một sân bay được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 4F (cao nhất), tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức hội nghị giới thiệu về môi trường đầu tư, tiềm năng đầu tư và định hướng đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư về phát triển thương mại dịch vụ của tỉnh.

“Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư đã đầu tư tại tỉnh tiếp tục gắn bó đồng hành và mở rộng sản xuất kinh doanh hơn nữa, đồng thời thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh Đồng Nai hy vọng sẽ tìm được các nhà đầu tư mới đầu tư tại tỉnh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ - logistics nhằm khai thác lợi thế từ sân bay quốc tế Long Thành”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để khai thác lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành, quy hoạch tỉnh Đồng Nai đề xuất hình thành các tổ hợp mua sắm đẳng cấp xung quanh sân bay, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu và khá giả. Quy hoạch mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai sẽ đi đầu trong phát triển công nghiệp hiện đại, là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, là cửa ngõ trung chuyển của miền Nam, lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm hạt nhân.

Đến năm 2050, Đồng Nai là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 14.650 USD. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2031 - 2050 đạt 6,5 - 7%, Đồng Nai là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, Đồng Nai đặt 5 trụ cột là phát triển công nghiệp; du lịch đô thị dịch vụ; nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững; sân bay Long Thành; kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, với việc phát triển sân bay Long Thành, Đồng Nai có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị ngành hàng không, đặc biệt là tiềm năng lớn trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ trực tiếp vào chuỗi giá trị của ngành hàng không.

Định hướng quy hoạch 5 trung tâm logistics, một trong số đó là trung tâm phía bắc sân bay Long Thành. Cũng tại đây, tỉnh đề xuất phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo với quy mô khoảng 300 ha, nằm phía Bắc sân bay Long Thành (huyện Long Thành).

Để khai thác lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành, quy hoạch cũng đề xuất xây dựng các phương án quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ. Tổ hợp du lịch quanh sân bay Long Thành sẽ trở thành điểm đến hiện đại, thông minh hàng đầu Đông Nam Á. Quy hoạch cũng định hướng tập trung khai thác mạnh thị trường chính như Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Đường cất hạ cánh và đường lăn, sân đỗ tàu bay tiếp giáp nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Khai thác các lợi thế sân bay để dẫn đầu

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Đồng Nai có rất nhiều lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được. Tỉnh Đồng Nai là cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất của cả nước, nằm trong tam giác phát triển TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai.

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai, trong quá trình chỉ đạo lập quy hoạch, tỉnh Đồng Nai xác định những dư địa mới cần được đánh thức và khai thác hiệu quả như quy hoạch tuyến sông Đồng Nai, quy hoạch vùng phụ cận sân bay Biên Hòa, sân bay Long Thành... là vùng động lực mới cho phát triển đột phá của tỉnh.

Theo thiết kế, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cảng hàng không đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và là cửa ngõ hàng không lớn, quan trọng của quốc gia và khu vực. Giai đoạn 1, có công suất 25 triệu khách, sau đó nâng lên 50 triệu khách vào giai đoạn 2 và giai đoạn 3 là 100 triệu khách sau năm 2030. Dự kiến trong tương lai, sân bay quốc tế Long Thành sẽ trở thành một trong những hub (điểm kết nối chung) trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Tỉnh Đồng Nai luôn kỳ vọng đặt ra khi xây dựng dự án sân bay Long Thành sẽ trở thành điểm kết nối chung của khu vực và thế giới, cạnh tranh với các sân bay trong khu vực như Changi của Singapore, Suvarnabhumi của Thái Lan và nhiều sân bay khác trong khu vực và thế giới.

Theo ông Nguyễn Tiến Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được quy hoạch là cảng hàng không lớn nhất cả nước, với vị trí đặc biệt nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam châu Á có các đường bay Đông - Tây, Bắc - Nam, thuận lợi cho việc hành khách chuyển tiếp, đi đến các châu lục như Châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Đại Dương. Ngoài ra, Cảng hàng không quốc tế Long Thành còn thuận lợi cho các hãng hàng không và liên minh hàng không làm căn cứ hoặc xây dựng lịch bay nối chuyến cho hành khách, hàng hóa hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một trong 6 địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế. Tại Đồng Nai, ngành thương mại dịch vụ logistics, khách sạn, nhà hàng trong thời gian qua cũng phát triển, tuy nhiên còn thiếu rất nhiều nhà hàng, khách sạn cao cấp, hiện đại phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế, thiếu các trung tâm tổ chức hội nghị, sự kiện tầm vóc để phục vụ cho các hội nghị lớn, quan trọng của cả nước.

Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng có cảng biển, kho bãi đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu trữ của doanh nghiệp, có hệ thống giao thông thuận lợi như đường bộ, đường sắt, đường thủy. Sau khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ là sân bay lớn nhất cả nước, tạo cú hích lớn đối với hàng loạt lĩnh vực công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ và đô thị cùng phát triển.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, dự kiến đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành cửa ngõ trung chuyển của miền Nam với hệ thống cơ sở hạ tầng năng động, toàn diện, linh hoạt và đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, kho bãi của các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, sân bay quốc tế Long Thành với diện tích 5.000 ha, dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025 với quy mô vận chuyển 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Bên cạnh đó, sân bay Biên Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sân bay lưỡng dụng, đang được đẩy mạnh triển khai đầu tư. Sân bay Long Thành đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm xây dựng Đồng Nai trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất Việt Nam.

Sau khi sân bay Long Thành, sân bay Biên Hòa đi vào hoạt động, Đồng Nai sẽ trở thành một trong những trung tâm lưu trú, logistics, trung tâm phát triển thương mại dịch vụ hàng không, phục vụ sản xuất công nghiệp hàng đầu Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và sân bay quốc tế Long Thành được chính quyền tỉnh Đồng Nai quan tâm, tạo ra cơ hội rất lớn trong đầu tư thương mại dịch vụ.

“Mong các tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Đồng Nai đảm bảo “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, góp phần hoàn thiện quy hoạch địa phương, phát triển thương mại dịch vụ logistics xứng tầm một tỉnh công nghiệp, có sân bay quốc tế Long Thành hiện đại và sân bay Biên Hòa lưỡng dụng cùng với hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ. Khai thác các lợi thế của sân bay để dẫn đầu là hướng phấn đấu của Đồng Nai trong tương lai”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết.

Văn Việt - Hồng Đạt (TTXVN)
UBND tỉnh Đồng Nai được giao thẩm quyền thực hiện dự án sân bay Biên Hòa
UBND tỉnh Đồng Nai được giao thẩm quyền thực hiện dự án sân bay Biên Hòa

Ngày 13/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký văn bản số 175/TTg-CN về việc đầu tư Cảng Hàng không Biên Hòa theo phương thức PPP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN