Giải pháp bền vững chống sạt lở bờ biển tại Quảng Nam

Với chiều dài hơn 125 km, bờ biển tỉnh Quảng Nam thường xuyên đối mặt với tình trạng sạt lở, gây thiệt hại về tài sản. Trước đây, tình trạng sạt lở chỉ thường xảy ra trong mùa mưa bão.

Chú thích ảnh
Hàng trăm m bờ biển bị triều cường và sóng biển đánh sạt lở. Ảnh tư liệu: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng này diễn ra cả trong mùa nắng lẫn mùa mưa bão với mức độ ngày càng nghiêm trọng và khó lường.

Sạt lở ngay trong mùa nắng

Đầu tháng 3/2023, chính quyền thành phố Hội An phải sơ tán khẩn cấp nhiều hộ dân ở khối phố Thịnh Mỹ (phường Cẩm An) đến nơi an toàn trước nạn triều cường và sóng biển khiến một bờ biển dài và đẹp cùng nhiều hạng mục hạ tầng dịch vụ, thu hút đông đảo du khách quốc tế đã biến mất trên bản đồ du lịch địa phương.

Bà Nguyễn Thị Lan, một người chuyên chung cấp dịch vụ du lịch tại khu vực bãi biển khối phố Thịnh Mỹ cho biết, triều cường, sóng biển mạnh đã khiến vệt bờ thành phố Hội An không ngừng bị sạt lở nặng ở nhiều đoạn và ăn sâu vào đất liền. Riêng tại bờ biển khối phố Thịnh Mỹ, tiếp theo những thiệt hại do sạt lở gây ra trong mùa mưa bão cuối năm 2022, đầu năm nay, sóng biển tiếp tục làm cho hàng chục phòng cho thuê của các hộ gia đình bị sạt lở và trôi ra biển.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tình trạng sạt lở bờ biển Hội An đã diễn ra từ nhiều năm qua; phần lớn chỉ diễn ra trong mùa mưa bão. Bờ biển khối phố Thịnh Mỹ (phường Cẩm An) bị triều cường và sóng biển xâm thực vào trong đất liền ngay trong mùa nắng cho thấy sự tác động của thiên nhiên ngày càng phức tạp, khó lường hơn. Do vậy, sự ứng phó với tình trạng sạt lở phải hướng đến sự căn cơ, bền vững hơn.

Tại các xã ven biển huyện Duy Xuyên, tình trạng sạt lở bờ biển, gây thiệt hại nặng về tài sản và mất đất canh tác, đất ở của người dân thường xuyên xảy ra. Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Phan Xuân Cảnh cho biết, trong mấy năm qua, các xã vùng ven biển của địa phương thường xuyên gánh chịu hậu quả sạt lở bờ biển. Bờ biển xã Duy Hải đã và đang tiếp tục bị sạt lở với tổng chiều dài hàng nghìn mét, tập trung ở những khu dân cư đông đúc. Do vậy, chống sạt lở bờ biển là nhu cầu cấp bách nhưng vượt khả năng của địa phương.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam Nguyễn Ngọc Tân nhấn mạnh, không riêng ở thành phố Hội An, tình trạng sạt lở bờ biển ngay trong mùa nắng đã xuất hiện ở nhiều nơi ở các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên và thành phố Tam Kỳ với chiều dài lên đến hàng chục km. Tình hình sạt lở bờ biển đã và đang diễn ra rất phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về quy mô và phạm vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các khu du lịch; ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống nhân dân trong khu vực.

Giải pháp bền vững chống sạt lở bờ biển

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết, năm 2021, từ nguồn vốn do Trung ương đầu tư hơn 300 tỷ đồng, tỉnh triển khai công trình chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An. Cụ thể: một tuyến đê ngầm chắn sóng dưới mặt nước biển từ 0,5 - 1 m, dài gần 1,6 km đã dược xây dựng; hơn 100 nghìn m3 đá, gần 8 nghìn khối bê tông tạo kè ngầm dưới biển; hơn 600 nghìn m3 cát được bơm lên để bổ sung cát cho bãi biển dài gần 2 km khu vực bãi biển Cửa Đại.

Ông Nguyễn Thế Hùng chia sẻ, sau hơn một năm đưa vào sử dụng, bãi cát biển Cửa Đại hiện rất đẹp. Qua hai mùa mưa bão, bước đầu có thể nói rằng, đê ngầm chắn sóng dưới mặt nước biển là giải pháp công trình có khả năng giảm thiểu nguy cơ sạt lở bờ biển Hội An một cách bền vững và thân thiện. Nếu toàn bộ bờ biển Hội An được bảo vệ bằng giải pháp này, tình trạng sạt lở sẽ được khắc phục một cách căn cơ, bền vững.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam Nguyễn Ngọc Tân cho biết, từ những thành công ban đầu và dựa trên cơ sở khuyến cáo của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về giải pháp kỹ thuật, tỉnh đang làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp để thống nhất giải pháp thiết kế, tài trợ vốn với số tiền lên đến 145 triệu EURO (tương đương với hơn 1.000 tỷ đồng) để tiếp tục triển khai xây dựng 4,5 km tuyến đê biển còn lại và bổ sung thêm hàng triệu mét khối cát nhằm tái tạo và nuôi bãi trong thời gian tới.

Trước mắt, với nguồn vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định số 597QĐ- UBND ngày 27/3 tiếp tục đầu tư 210 tỷ đồng xây dựng công trình kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại (đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng, thành phố Hội An) để phòng, chống xói lở bờ biển, tái tạo lại bãi biển, tài nguyên du lịch đang bị tàn phá nghiêm trọng.

Dự án sẽ triển khai xây dựng hệ thống đê ngầm giảm sóng và giữ chân bãi cát nhân tạo nằm cách bờ 250 - 300 m có chiều dài khoảng 550 m, bắt đầu từ điểm cuối của dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại về phía Bắc. Cùng với xây dựng bờ kè, lượng cát nạo vét luồng đường thủy nội địa vùng biển Hội An - Cù Lao Chàm được sử dụng để san lấp nhằm tạo và nuôi bãi có chiều dài khoảng 1.500 m chạy dọc theo bờ biển Hội An.

Khi hoàn thành, tuyến đê ngầm này sẽ khớp nối với các tuyến đê ngầm đã xây dựng trước đó tạo thành hệ thống kiên cố, bền vững và thân thiện trong việc chống sạt lở bờ biển, bảo vệ tài sản cho người dân và nguồn tài nguyên du lịch quý giá.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển tại huyện Duyên Hải
Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển tại huyện Duyên Hải

UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ biển khu vực Cồn Nhàn tại ấp Đông Thành và ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN