Gìn giữ câu hát Xoan trên quê hương Phú Thọ

Sau 6 năm Hát Xoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017 - 2023), Phú Thọ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, khẳng định được sức sống bền vững của Hát Xoan trong đời sống đương đại.  

 Hát Xoan là nguồn lực, sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Thọ

Với mong muốn biến di sản hát Xoan Phú Thọ thành tài sản, những năm qua, Phú Thọ khai thác bền vững giá trị của di sản này bằng cách gắn với phát triển du lịch, đưa hát Xoan trở thành một nguồn lực, sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Năm 2018, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với UBND thành phố Việt Trì chính thức cho ra mắt sản phẩm “Hát Xoan làng cổ”, gắn với tour du lịch hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ.

Hát Xoan được trình diễn tại miếu Lãi Lèn, đình Thét (xã Kim Đức), đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình An Thái, miếu Cấm (xã Phượng Lâu). Ngoài ra tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu du lịch Vườn Vua (huyện Thanh Thủy) cũng biểu diễn hát Xoan phục vụ du khách vào dịp lễ, Tết. Từ khi hoạt động đến nay, các điểm “Hát Xoan làng cổ” đã đón trên 13.000 lượt khách du lịch, trong đó phần lớn là các đoàn khách du lịch quốc tế đến từ các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ… Bình quân mỗi tháng, tỉnh Phú Thọ đón tiếp từ 2 - 3 đoàn khách nước ngoài thuộc tour du lịch đường sông, tới thăm, khám phá các di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của Phú Thọ, trong đó có hát Xoan.

Là một thành viên trong đoàn famtrip đến với Phú Thọ vào tháng 3/2023, chị Nguyễn Thị Thanh Hoa - Phó Giám đốc Công ty du lịch Dynamic Travel (TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Lần đầu tiên được trải nghiệm nghe hát Xoan tại không gian đình cổ Hùng Lô của thành phố Việt Trì, tôi cảm thấy ca từ, điệu múa, tiếng trống phách của các nghệ nhân và đào - kép Xoan như chạm vào tâm thức thành kính nhất của mình. Tôi tin chắc rằng du khách Việt Nam và quốc tế sẽ rất hào hứng với những tour du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như thế này".

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch chia sẻ về nguồn gốc của di sản Hát Xoan với các em học sinh trong Giờ học lịch sử tại Bảo tàng Hùng Vương. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Chị Lã Thị Hồng Thùy - Cán bộ văn hóa xã Hùng Lô cho biết: Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô mỗi năm đón tiếp rất nhiều lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Hát Xoan chính là một trong những điểm nhấn của chương trình trải nghiệm tại Hùng Lô mà du khách rất yêu thích, khách du lịch tới Hùng Lô để thưởng thức hát Xoan ngày càng đông.

Trong năm 2022, Sở VH,TT&DL đã đưa vào chương trình tour du lịch học đường “Hướng về nguồn cội”; kết nối Bảo tàng Hùng Vương - Đền Hùng - Đình Cổ Hùng Lô, Đền Hùng - Miếu Lãi Lèn - Cụm di tích Đền Tam Giang - Chùa Đại Bi… Trong đó, kết hợp giữa việc tham quan di tích, thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với việc tham gia các hoạt động trải nghiệm để quảng bá di sản hát Xoan như: Thưởng thức nghệ thuật hát Xoan tại đình cổ, giao lưu múa hát giữa phường Xoan và du khách. Nhằm xây dựng các chương trình du lịch kết nối di sản văn hóa hát Xoan với các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, đưa Hát Xoan đến gần với giới trẻ học sinh, sinh viên.

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ cho biết: Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan đã được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã cụ thể hóa những chính sách dưới Luật và Nghị định để phục vụ những nghi lễ, diễn xướng liên quan; đồng thời khuyến khích việc trao truyền, thực hành nghi lễ, tín ngưỡng cho thế hệ trẻ để di sản mãi mãi được trường tồn, xứng đáng là di sản phi vật thể của nhân loại. 

Nếu trước đây, hát Xoan được thực hành thường xuyên tại 4 phường Xoan gốc là Phù Đức, Kim Đái, Thét thuộc xã Kim Đức và An Thái thuộc xã Phượng Lâu (thành phố Việt Trì), thì ngày nay còn được duy trì thực hành, trình diễn ở 37 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca cấp tỉnh, với 1.557 thành viên tham gia, 64 câu lạc bộ cấp huyện, với 1.325 thành viên và 42 câu lạc bộ cấp xã, với 1.430 thành viên.

100% trường học trong tỉnh đã đưa nội dung hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn Âm nhạc và chương trình ngoại khóa với các bài hát Xoan phù hợp; khoảng 50% cơ sở giáo dục thành lập Câu lạc bộ hát Xoan cấp trường. Các câu lạc bộ hoạt động thường xuyên, đáp ứng yêu cầu của những người yêu thích hát Xoan và góp phần lan tỏa mạnh mẽ hát Xoan trong đời sống cộng đồng.

Chú thích ảnh
Tiết mục trình diễn Hát Xoan tại liên hoan các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Cùng với đó, việc tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản hát Xoan được xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đăng tải tin, bài, phóng sự về hát Xoan; tổ chức tốt các chương trình trình diễn hát Xoan gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm nay, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đậm nét về di sản hát Xoan, tạo nhiều không gian để hát Xoan đến với du khách về dự giỗ Tổ. Tại các miếu, đình làng Xoan cổ thuộc các xã Kim Đức, Phượng Lâu và Hùng Lô (thành phố Việt Trì) sẽ tổ chức trình diễn “Hát Xoan làng cổ” trong suốt những ngày diễn ra Giỗ Tổ. Liên hoan hát Xoan và dân ca Phú Thọ cũng sẽ là hoạt động điểm nhấn để phục vụ du khách hành hương về Giỗ Tổ được thưởng thức những làn điệu hát Xoan.

Nổi bật là Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh gắn với kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức tại Giỗ Tổ năm nay. Tỉnh Phú Thọ sẽ tham gia trình diễn Hht Xoan cổ thuộc ba chặng hát: Hát thờ, hát quả cách, hát hội do các nghệ nhân của 4 phường Xoan gốc Kim Đái, Thét, Phù Đức (xã Kim Đức) và An Thái (xã Phượng Lâu), thành phố Việt Trì. Ở nội dung không gian trưng bày, sẽ trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật, trình chiếu video clip về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”.

Thu Hương
Say điệu 'Hát Xoan làng cổ'
Say điệu 'Hát Xoan làng cổ'

Sau 10 năm xây dựng, đến nay, chương trình “Hát Xoan làng cổ” đã trở thành món ăn tinh thần không thể bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi về với Phú Thọ. Những làn điệu hát Xoan thấm đậm tình đất, tình người Phú Thọ nói riêng và đất nước con người Việt Nam nói chung luôn làm hài lòng đông đảo du khách nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN