Hậu Giang chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer

Thực hiện các chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1719), bộ mặt đời sống đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thay đổi đáng kể.

Tỉnh Hậu Giang có trên 200.000 hộ dân với khoảng 729.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer hơn 24.000 người. Theo UBND tỉnh Hậu Giang, việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm thực hiện kịp thời và đầy đủ.

Tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn thuộc Chương trình 1719 tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, cũng như lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác…

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi lươn của hộ đồng bào dân tộc Khmer tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang). Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương không ngừng được nâng lên. Hiện 98% đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn có cuộc sống ổn định; 97% đồng bào Khmer được sử dụng điện an toàn; 97% xã trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa và bê tông hóa; 65% ấp trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa…

Theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, sau thời gian tthực hiện các chính sách từ Chương trình 1719, bộ mặt kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh đã thay đổi đáng kể.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào không ngừng được quan tâm đầu tư, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu dịch vụ cơ bản cho người dân.

Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 18,83%; đến cuối năm 2022 chỉ còn 13,3%. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ nét, người dân có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập từ các mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi gà, lợn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh cho biết, trên cơ sở phát huy thành tích đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

Đồng thời, tỉnh chủ động thực hiện các chương trình, dự án, tranh thủ mọi nguồn lực, vận động xã hội hóa để đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, phát triển mô hình kinh tế tập thể để tận dụng đất sản xuất, theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer; đổi mới nội dung, phương thức vận động nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, gắn với việc chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền thân thiện; thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn.

PV
Ngắm những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo của người Khmer tại Sóc Trăng
Ngắm những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo của người Khmer tại Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất cả nước, vì thế cũng là nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo của người Khmer, đặc biệt là kiến trúc tại các ngôi chùa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN