Hưng Yên xúc tiến tiêu thụ nhãn sang thị trường Nhật Bản

Ngày 13/7, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn sang thị trường Nhật Bản năm 2023.

Chú thích ảnh
Nhãn trồng theo tiêu chuẩn Vietgap. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN

Đây là bước khởi đầu cho hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nhà vườn trồng nhãn Hưng Yên với các doanh nghiệp, thương nhân có nhiều kinh nghiệm, uy tín tại thị trường Nhật Bản.

Ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định, Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng khắt khe về các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hoá, đặc biệt là đối với thực phẩm và hoa quả nhập khẩu. Đây là thị trường "khó tính" nhưng nếu chinh phục được, thâm nhập thành công sẽ tạo uy tín rất lớn cho sản phẩm mở rộng sang các thị trường quốc tế khác. Do vậy, tỉnh Hưng Yên xác định nhãn lồng Hưng Yên đã thâm nhập được 1 số thị trường quốc tế quan trọng như Mỹ, Australia thì cần thiết phải chinh phục được thị trường Nhật Bản để mở rộng cơ hội chinh phục thị trường thế giới. 

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên phát biểu tại hội nghị.

Để chuẩn bị cho mục tiêu này, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá và cơ cấu lại các giống nhãn, vùng trồng nhãn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Đồng thời, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã phê duyệt Đề án xúc tiến thương mại xuất khẩu nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn sang thị trường Nhật Bản giai đoạn 2021-2025; xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản vừa đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp, thương nhân có uy tín xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản để sớm giới thiệu nhãn lồng Hưng Yên với người tiêu dùng Nhật Bản. 

Ông Nguyễn Văn Biết, Phó Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Quảng Châu, thành phố Hưng Yên cho hay, mong muốn lớn nhất của các thành viên trong hợp tác xã là tìm được nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định, có giá hợp lý, giúp các thành viên có thu được giá trị kinh tế lớn từ cây nhãn. Chính vì vậy, các thành viên trong hợp tác xã luôn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, canh tác tiên tiến, đăng ký mã vùng trồng, sẵn sàng đưa sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị.

"Với thị trường Nhật Bản, một thị trường khó tính, hợp tác xã đã có sự chuẩn bị và quyết tâm cao cùng với sự quan tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp. Chúng tôi tin sản phẩm nhãn của Hợp tác xã Quảng Châu có thể xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản. Từ đó, sẽ mở rộng cơ hội để nhãn lồng Hưng Yên thâm nhập vào các thị trường tiềm năng khác", ông Nguyễn Văn Biết khẳng định.

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đã có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản thuộc địa bàn thành phố Hưng Yên với diện tích là 27,2ha, sản lượng ước tính 350 tấn/năm đã đáp ứng theo quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng (TTCS 774:2020/BVTV). Mặc dù diện tích, sản lượng còn khiêm tốn nhưng nhiều tiềm năng mở rộng trong thời gian tới.

Đỗ Huyền (TTXVN)
'Bệ phóng' cho các thương hiệu Việt từ thị trường Nhật Bản
'Bệ phóng' cho các thương hiệu Việt từ thị trường Nhật Bản

Với dân số trên 125 triệu người và tỷ lệ tự cung, tự cấp lương thực chưa tới 38%, Nhật Bản là thị trường đầy tiềm năng đối với các công ty chế biến nông sản và thực phẩm của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN