Khánh Hòa đầu tư nguồn lực để Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện 30a vào năm 2025

Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là hai huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Đây cũng căn cứ địa cách mạng nên những năm qua tỉnh Khánh Hòa luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư với những chính sách cụ thể để hai địa phương này phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), thu hoạch mía đầu mùa. Ảnh: Nguyễn Thị Vân/TTXVN

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, căn cứ Nghị quyết số 47 của HĐND tỉnh Khánh Hòa về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, dự kiến tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ huyện Khánh Vĩnh đầu tư các công trình là 50 tỷ đồng. Cụ thể, dự án kè bờ tả sông Khế, thị trấn Khánh Vĩnh được ngân sách tỉnh hỗ trợ 15 tỷ đồng; dự án các trục đường giao thông chính khu đô thị mới thị trấn Khánh Vĩnh (giai đoạn 2) được ngân sách tỉnh hỗ trợ 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh thêm dự án kè chống sạt lở khu dân cư xã Cầu Bà và dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư xã Cầu Bà.

Còn tại huyện Khánh Sơn, thực hiện kế hoạch đầu tư công, giai đoạn 2016 - 2018, toàn huyện triển khai 324 công trình, trong đó có 293 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, 31 công trình chưa hoàn thành... Để đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư công, UBND huyện đã chủ động phân bổ kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các chủ đầu tư theo nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn trả nợ quyết toán, thanh toán nợ đọng, các dự án dự kiến hoàn thành trong năm, các dự án cấp thiết.  

Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa đã chú trọng triển khai nhiều Đề án, trong đó có Đề án giảm nghèo; Đề án giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc và Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025 cũng như các chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường trong tình hình dịch bệnh COVID-19; sau lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 chung cùng cả nước được một tuần, hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã tổ chức cho học sinh học trực tiếp. “Hiện nay các cháu đã đến trường an toàn, địa phương luôn đề cao công tác phòng dịch, khẩn trương kiểm soát và tổ chức truy vết nếu có dịch bệnh xảy ra để đảm bảo sức khỏe cho các cháu”, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm y tế, chính sách học bổng, các chính sách nhà ở, chương trình phát triển kinh tế xã hội miền núi... giúp đỡ đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. “Mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đề ra quyết tâm đến năm 2025 sẽ thoát khỏi huyện 30a, tróng đó có 50% số xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn”, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định. Hiện nay hàng năm hai huyện miền núi này, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 9%/năm.

“Với tốc độ phát triển này, có thể sau 4 năm nữa hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh hộ nghèo trên địa bàn sẽ giảm chỉ còn 5-10%. Đây là một những tiêu chí mà Khánh Hòa đang đặt ra và rất quyết tâm để thực hiện bằng nhiều cách”, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, là một trong 10 tỉnh trên cả nước hiện nay đã tự cân đối ngân sách, mặc dù vậy, hai năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên Khánh Hòa có mức tăng trưởng âm. Do đó trong điều kiện ngân sách khó khăn, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Khánh Hòa kiến nghị Trung ương cần hỗ trợ với các chương trình cụ thể.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, trong các nhóm chính sách về công tác dân tộc, tỉnh Khánh Hòa mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư cho lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bởi hiện nay tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em ở vùng miền núi còn khá cao. Tiếp đến là đầu tư nguồn nhân lực, cần quan tâm tới đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Bởi hiện nay có nhiều chính sách cử tuyển để đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số nhưng ứng tuyển không đúng địa chỉ hoặc cử tuyển không đúng mục tiêu sử dụng, sau này các địa phương rất khó khăn trong bố trí việc làm. Cuối cùng, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào thiểu số, bởi trong xu thế phát triển của thế giới hiện đại nhưng những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất, đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc chúng ta nên giữ và tiếp tục phát huy.

V.Tôn/Báo Tin tức
Khánh Hòa tiếp nhận trên 22 tỷ đồng ủng hộ phòng, chống dịch
Khánh Hòa tiếp nhận trên 22 tỷ đồng ủng hộ phòng, chống dịch

Ngày 5/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận 200 triệu đồng của Cảng Quốc tế Cam Ranh (thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn) và 100 triệu đồng của Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh ủng hộ công tác phòng, chống dịch thông qua Trung tâm cứu trợ dịch COVID-19 tỉnh, nâng tổng số tiền Trung tâm này đã tiếp nhận lên trên 22 tỷ đồng kể từ khi được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối tháng 7 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN