Ninh Bình xây dựng nông thôn mới - Bài cuối: Đẩy mạnh chuyển đổi số nông thôn

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tỉnh Ninh Bình đang tập trung thúc đẩy triển khai nhiều mô hình, chương trình hoạt động về chuyển đổi số cho nông thôn, ở nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện hướng đến xây dựng các thôn, xã hiện đại, thông minh.

Chú thích ảnh
 Nông dân Ninh Bình tích cực đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử.

Thôn, xã thông minh

Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô là một trong những địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn thí điểm mô hình “Xã thông minh” từ năm 2020. Đến nay, xã đã ứng dụng thành công chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, hình thành diện mạo làng số, xã thông minh, đời sống người dân thay đổi tích cực, mức sống được cải thiện và nâng cao.

Ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng mô hình “Xã thông minh”, Yên Hòa luôn xác định lấy người dân làm trung tâm và tích cực tuyên truyền để bà con hiểu được vai trò, ý nghĩa cũng như những lợi ích của chuyển đổi số mang lại. Qua đó, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân. Từ một xã nghèo, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 71,8 triệu đồng/người/năm.

Xã Yên Hòa đã vinh dự được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) giới thiệu là mô hình điểm "Làng số - Digital village" để các nước trên thế giới tham khảo.

Ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình cho rằng, kinh nghiệm trong chuyển đổi số ở Yên Hòa là xác định rõ mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, vì hiệu quả cuối cùng là phục vụ nhân dân. Những thành công bước đầu cùng những kinh nghiệm trong thí điểm chuyển đổi số là động lực để địa phương tạo ra những đột phá trong cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách, đem lại những tiện ích cho người dân và cộng đồng.

Khánh Nhạc cũng là một trong những xã được huyện Yên Khánh triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số. Trong quá trình thực hiện, địa phương đã lựa chọn thôn 4B làm điểm xây dựng mô hình “Thôn thông minh”. Đến nay, người dân nơi đây đã được trang bị kiến thức để dễ dàng tiếp cận với các nền tảng số đem lại lợi ích thiết thực, thuận lợi trong đời sống.

Ông Mai Trọng Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết, hiện, thôn 4B đã có hạ tầng internet cáp quang và thông tin di động 4G/5G bao phủ đến các gia đình; có các nhóm/tổ công nghệ số cộng đồng tương tác, hỗ trợ nhau trong thôn; trên 90% người dân trong thôn sử dụng điện thoại thông minh…

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Khánh Phạm Văn Phụ, năm 2023, huyện tiếp tục chọn 4 thôn tại các xã để xây dựng mô hình điểm "Thôn thông minh". Hiệu quả bước đầu của mô hình là cơ sở để địa phương nhân rộng trong toàn huyện, tạo tiền đề để xây dựng xã nông thôn mới thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, kéo gần hơn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.

Đẩy mạnh chuyển đổi số nông thôn

Là một trong những tỉnh thí điểm về chuyển đổi số trong cả nước, Ninh Bình xác định rõ trách nhiệm, cơ hội và quyết tâm cao để thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngay trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh xác định "Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số" là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển.

Với quan điểm đó, trong năm 2021 và 2022, tỉnh Ninh Bình đều bố trí nguồn ngân sách ưu tiên dành cho ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số là 150 tỷ đồng, chiếm hơn 1% tổng chi cân đối ngân sách địa phương, gấp 3 lần so với năm 2020.

Tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành chức năng cùng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi số trong từng lĩnh vực. Qua đó, thúc đẩy người dân mạnh dạn tham gia, áp dụng vào thực tiễn đời sống, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống. Bên cạnh đó, địa phương cũng chỉ đạo các ngành phối hợp với các địa phương triển khai Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm, thủy sản qua các kênh trực tuyến.

Với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, chuyển đổi số trong nông nghiệp được tỉnh xem là cơ hội để khắc phục những tồn tại như: mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém phát triển cũng như thiếu liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp...

Ông Hoàng Ngọc Chinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.

Năm 2020, Ninh Bình xếp thứ 8 toàn quốc về chuyển đổi số; luôn nằm trong top 10 - 15 của cả nước về cải cách hành chính; kinh tế - xã hội có bước phát triển toàn diện. Đến nay, tỉnh đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 333 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, địa phương cũng có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chú thích ảnh
 Nông dân Ninh Bình tích cực đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, năm 2023, Ninh Bình phấn đấu đủ điều kiện để xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh có quyết tâm, nguồn lực và đã bố trí nguồn kinh phí cho thực hiện chuyển đổi số, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Qua đó, cung cấp thông tin, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ninh Bình sớm trở thành tỉnh trung tâm du lịch, phát triển kinh tế - xã hội khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng- Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc khẳng định.

Với mục tiêu đến năm 2025 nằm trong tốp 20 và đến năm 2030 nằm trong tốp 15 tỉnh, thành phố trên cả nước về xếp hạng đánh giá, xác định chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh hàng năm, chuyển đổi số đang là mục tiêu đồng thời cũng là giải pháp tối ưu, thiết thực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cải thiện và tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác đã giúp Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới chính là “trái ngọt” sau hành trình xây dựng nông thôn mới gắn với chuyển đổi số tại Ninh Bình.

Bài và ảnh: Thùy Dung (TTXVN)
Ninh Bình xây dựng nông thôn mới - Bài 2: Gắn OCOP với lợi thế nguyên liệu địa phương
Ninh Bình xây dựng nông thôn mới - Bài 2: Gắn OCOP với lợi thế nguyên liệu địa phương

Xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN