Phát triển cây ăn trái ở Đắk Lắk: Cần theo định hướng thị trường

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, việc phát triển cây trồng nói chung và cây sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý.

Chú thích ảnh
Thu mua sầu riêng tại nhà vườn ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Thay vì tăng diện tích, sản lượng, nông dân cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng; liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.

UBND cấp huyện cần tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thực tế cho thấy, việc gia tăng khá nhanh về diện tích sẽ phát sinh nhiều bất cập về giống, quy trình công nghệ, vốn đầu tư, kết nối thị trường… nếu không được hỗ trợ. Do đó, các tỉnh Tây Nguyên cần đánh giá cụ thể hơn về thực trạng, tiềm năng, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, môi trường, thị trường cũng như các yếu tố kỹ thuật khác tác động tới sản xuất để có chính sách phù hợp hỗ trợ; góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành hàng theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với việc quản lý quy hoạch, khuyến cáo rủi ro khi mở rộng diện tích ồ ạt, các tỉnh Tây Nguyên đang tập trung vào việc chuẩn hóa quy trình sản xuất để nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản xuất khẩu; trong đó có sầu riêng và chanh leo.

Chú thích ảnh
Nông dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Tại tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 6.100 ha sầu riêng; trong đó hơn 2.000 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 23.000 tấn. Trên địa bàn tỉnh đã có 8 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ với 155 ha.

Thông tin từ Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông, song song với phát triển vùng nguyên liệu, ngành nông nghiệp đang tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc sầu riêng. Ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất sầu riêng có chứng nhận, hỗ trợ phát triển hợp tác xã; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân để có đầu ra ổn định, phát triển bền vững.

Với diện tích cây ăn quả năm 2022 là 51.983 ha, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu trong tương lai gần sẽ trở thành thủ phủ trái cây vùng Tây Nguyên. Tỉnh kiến nghị Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo ra những giống mới có năng suất, chất lượng phù hợp thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu; nghiên cứu hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình xử lý ra hoa trái vụ hiệu quả, kỹ thuật xử lý, quản lý dịch hại, công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

Cục cần hỗ trợ thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, định hướng sản xuất lâu dài, ổn định và phù hợp với nhu cầu khách hàng; đồng thời có chính sách hỗ trợ, thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản.
 

PV
Đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch
Đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch

Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1747/QĐ-TTg phê duyệt, trong đó xác định phát triển du lịch toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN