Ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án nước sạch

Ngày 21/9, tại thành phố Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị.

Tại hội nghị, Cục Thuỷ lợi cho biết, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3.928 công trình cấp nước nông thôn tập trung; trong đó số lượng công trình hoạt động bền vững là 2.450 công trình, chiếm 62%. Đây là vùng có tỷ lệ công trình hoạt động bền vững cao so với trung bình toàn quốc. Một số địa phương như: Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… có số lượng công trình hoạt động bền vững cao từ 70-100%.

Cục Thủy lợi đánh giá, biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn làm cho nguồn nước ngọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng suy giảm về trữ lượng và chất lượng, dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt các tỉnh ven biển. Cùng với đó, tình trạng sụt lún đất do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khai thác nước ngầm quá mức, trong khi nước biển dâng khoảng 0,3cm/năm; ô nhiễm nguồn nước và môi trường ngày càng tăng và khó kiểm soát đang là những thách thức đối với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp về đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung, nâng cao chất lượng nước sạch ở nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới.  

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương phấn đấu đến năm 2025 tối thiểu 75% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng các mục tiêu này, Bạc Liêu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn để nâng cấp mở rộng công trình cấp nước; đồng thời, xem xét, đề xuất bố trí ngân sách hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu triển khai thêm 22 công trình cấp nước tập trung theo Dự án thành phần số 3 - Các công trình cấp nước tập trung nông thôn tỉnh Bạc Liêu theo Quyết định số 1967/QĐ-BNN-KH ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận phát biểu tại Hội nghị.

Cùng với đó là hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu xây dựng mô hình thí điểm thu gom xử lý nước thải nông thôn tập trung thuộc Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho rằng, khó khăn vướng mắc trong thực hiện tiêu chí nước sạch nông thôn của địa phương là đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước cho khu vực nông thôn có chi phí lớn hơn nhiều so với khu đô thị do xa nguồn, dân cư thưa. Từ đó kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh tiếp cận nhanh chóng và kịp thời các nguồn vốn ưu đãi đầu tư từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nước và quốc tế để đầu tư các công trình cấp nước và thực hiện cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch đạt hiệu quả cao hơn. Trước mắt, hỗ trợ tỉnh nguồn vốn đầu tư cho xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các công trình cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 để đạt được tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Văn Dũng, cũng đề nghị rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cấp nước sạch nông thôn để các đơn vị cấp nước, nhất là đơn vị tư nhân dễ tiếp cận.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, việc triển khai thực hiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Tuy vậy, việc thực hiện tiêu chí nước sạch đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương.

Để đảm bảo các tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tiễn từng vùng, từng địa phương trên tinh thần mọi người dân nông thôn đều được tiếp cận và sử dụng nước sạch an toàn với chi phí hợp lý, ông Trần Thanh Nam đề nghị Cục Thuỷ lợi đẩy nhanh các thủ tục liên quan để Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định cấp nước sinh hoạt nông thôn. Đồng thời phối hợp với Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương rà soát hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu về nước sạch trong hướng dẫn thực hiện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (theo Quyết định số 1680/QĐ-BNN-VPĐP) để kịp thời trình Bộ ban hành ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với các địa phương, ông Trần Thanh Nam đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung (tại chỉ tiêu “17.1. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn”) để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, đặc thù, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế chính sách xã hội hóa thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý khai thác, vận hành công trình cấp nước nông thôn tập trung phù hợp với đặc thù của vùng và đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Cùng với đó, hỗ trợ giá nước sạch nông thôn theo quy định phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương để đảm bảo đủ kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành công trình hiệu quả và bền vững; đặc biệt là khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần ưu tiên ngân sách của địa phương kết hợp với ngân sách Trung ương và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng công trình cấp nước tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo. Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện dự án đầu tư công trình cấp nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo đúng tiến độ và mục tiêu của dự án.

Tin, ảnh: Tuấn Kiệt (TTXVN)
Bình Định: Sớm vận hành nhà máy nước sạch, giải 'cơn khát' của người dân
Bình Định: Sớm vận hành nhà máy nước sạch, giải 'cơn khát' của người dân

Theo kế hoạch, năm 2021, công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, đến nay, các hộ dân ở đây vẫn mòn mỏi chờ… nước sạch, trong khi các giếng đào, giếng khoan đã cạn khô do nắng nóng kéo dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN