Mùa Vu lan - mùa Hiếu hạnh 

Tháng Bảy âm lịch hàng năm - mùa Vu lan, mùa Hiếu hạnh là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Chú thích ảnh
Đông đảo Phật tử dự Đại lễ Vu Lan - Báo hiếu tại chùa Giác Ngộ, TP Hồ Chí Minh. 

Những người con, người cháu thực hiện nhiều việc thiện, việc lành cũng cầu nguyện cho người quá vãng được siêu thoát, người hiện tiền thì quan tâm, thăm viếng, hướng dẫn vào đạo làm nhiều việc thiện và tu tạo pháp lành. 

Tối 24/8, nhiều chùa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động phục vụ Phật tử thập phương và người dân đến cầu nguyện, dâng hương tưởng nhớ các bậc sinh thành, người đã khuất; thực hành tu tập các khóa tu về vu lan báo hiếu; tuyên sớ cầu an, cầu siêu; tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ; nghe giảng kinh về đạo hiếu… 

Lễ Vu lan báo hiếu là một phong tục văn hóa dân gian, tín ngưỡng tốt đẹp về hiếu đạo nhằm ghi nhớ công ơn cha mẹ và biểu thị tâm linh Phật giáo cổ truyền của người Việt. Đây là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ, kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn các bậc sinh thành... 

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Trụ trì chùa Giác Ngộ cho biết, trong tháng Bảy âm lịch, Phật giáo khích lệ văn hóa đền ơn và biết ơn, con người làm việc thiện để đền trả những trọng ơn trong đời, đó là: Hiếu đạo với chư tăng; hiếu kính với cha mẹ, thầy cô; ơn Tổ quốc; ơn đồng loại, chứ không phải là những kiêng kỵ trong tháng cô hồn. Đối với các Phật tử tại gia, ngày này được xem như biểu tượng của đạo hiếu. Đạo hiếu phải được áp dụng hàng ngày, hàng giờ, nhưng để lấy biểu tượng và cho mọi người nhớ thì Phật giáo đại thừa nhấn mạnh vào ngày rằm tháng Bảy. 

Anh Đặng Trung Thành, ngụ tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, hơn 25 năm trước anh đã phải xa mẹ vĩnh viễn khi mới chào đời, mẹ anh nở nụ cười mãn nguyện rồi sau đó nhắm mắt ra đi. Khi mẹ ra đi, anh chưa cảm nhận được nỗi đau mất mát vì còn quá bé bỏng. Nhưng giờ đây trong tim anh, tình cảm thiêng liêng chất chứa ngày một sâu đậm, theo thời gian và theo tuổi tác. Cứ đến mùa Vu lan, rằm tháng Bảy âm lịch, anh lại cùng bà ngoại của mình đi chùa cầu an. 

“Trong những ngày này, Phật tử nhắc nhở, đánh giá mình về hạnh hiếu, phụng dưỡng vật chất, phụng dưỡng tinh thần, phát triển đạo đức, lập nghiệp chân chính, quan tâm đến cha mẹ, biết chăm lo cho gia đình, góp phần phát triển xã hội. Việc cúng lễ Vu Lan chỉ là một hình thức, một biểu tượng để tỏ lòng tôn kính ông bà, tổ tiên”, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết thêm. 

Theo Đại đức Thích Nguyên Hạnh, Phó Trưởng ban Hoằng Pháp, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Vu lan là từ viết tắt của Vu-lan-bồn, nghĩa là giải đảo huyền - “giải tội bị treo ngược lên”. Kinh Vu lan ghi, nhìn thấy mẹ chịu cảnh đói khát nơi địa ngục, ngài Mục Kiền Liên tìm đến Phật để hỏi cách cứu mẹ, và thực hành theo lời Phật dạy, bà Thanh Đề đã được thoát khỏi cảnh ngạ quỷ đói khát và được sanh về cảnh giới tốt đẹp. Trong ngày hôm đó, rất nhiều chúng sanh nương nhờ phước đức đó cũng được sinh về cõi lành. 

Với Phật giáo, tháng Bảy là mùa Vu lan - báo hiếu, người sống tạo ra phước lành cho người mất và mong với phước báu đó, người mất có thể đầu thai về cõi an vui.

Không phải đợi Vu lan người con Phật mới thể hiện sự hiếu hạnh mà bình thường trong cuộc sống hàng ngày phải sống cho tốt, làm tròn bổn phận của người con. Đừng đợi tới mùa Vu lan mới làm cho có, vì như vậy không phải là hiếu hạnh, hiếu hạnh phải thường xuyên nuôi dưỡng thì mới thật sự thương cha thương mẹ. Chẳng hạn, nhiều người lúc cha mẹ còn sống thì không lo lắng quan tâm nhưng khi mất thì cúng lớn… là không đúng. Báo hiếu là lúc cha mẹ còn sống và hướng cha mẹ vào con đường tốt, tạo phước lành cho cha mẹ mới gọi là báo hiếu. 

Lời sám hối, câu xin lỗi không bao giờ muộn, giúp hòa giải và gắn kết, để mỗi người được nuôi dưỡng nguồn mạch tình thương, vun bồi cội rễ tâm linh cao đẹp. Đức Phật dạy, hạnh Hiếu là hạnh Phật. Hiếu với người tạo nên hình hài, dưỡng nuôi tâm thức, trao truyền giá trị tốt đẹp để mình có thể thấy trời cao, đất rộng... còn là đạo lý dân tộc. 

Đại đức Chí Giác Thông, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, tri ân báo ân không chỉ một tháng mà lúc nào chúng ta cũng phải tri ân báo ân. Nhưng có thể trong cuộc sống lo cơm áo gạo tiền, mình bị cuốn đi, mình không nhớ tri ân báo ân nên tháng Bảy là dịp để nhắc nhở mình hướng về ông bà cha mẹ nhiều hơn. 

Người Phật tử khi ông bà, cha mẹ còn sống, càng phải hướng về đấng sinh thành của mình, có những lời nói hành động, cử chỉ thể hiện lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ.

Bài, ảnh: Thế Anh  (TTXVN )
Vu Lan - mùa báo hiếu
Vu Lan - mùa báo hiếu

Mỗi độ thu về báo hiệu một mùa Vu Lan tới. Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người con Việt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN