Nghệ An: Xây dựng nội dung ôn tập phù hợp với đề thi đánh giá năng lực của các trường đại học

Kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm nay, nhiều trường đại học trên cả nước sẽ sử dụng bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào, buộc thí sinh phải thay đổi cách học, các nhà trường tại Nghệ An thay đổi cách dạy.

Chú thích ảnh
Tiết học của học sinh lớp 12 trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh. 

Học sinh thay đổi cách học

Em Nguyễn Trần Xuân Huy là học sinh nằm trong tốp khá của lớp 12A5, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Xuân Ôn, huyện Diễn Châu. Kỳ thi tới, Huy ước mơ sẽ thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tuy nhiên, con đường đến với ước mơ của Huy càng khó khăn hơn khi năm nay, nhà trường chỉ lấy 10-15% chỉ tiêu từ việc xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (trong tổng số 6.100 chỉ tiêu của trường). Đây cũng là tỷ lệ thấp nhất của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong những năm qua. Trong 7 nhóm đối tượng để xét tuyển vào trường có 2 nhóm xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hoặc điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với phương thức xét tuyển này, để có cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường Huy yêu thích, em phải tham gia các kỳ thi, đồng thời học nhiều môn thi mới đáp ứng được yêu cầu hiện nay.

“Ở kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông em tập trung chính vào ba môn thuộc khối A1 là Toán - Lý - Tiếng Anh. Tuy nhiên, bài thi đánh giá năng lực là bài thi tổng hợp gồm nhiều môn như Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn, Lịch sử, Hóa học, Địa lý, Vật lý… nên em phải học tất cả các môn. Em cũng làm một bài thi thử nhưng quả thực em chưa tự tin vì đề thi rộng, mỗi trường lại có một cách ra đề khác nhau nên khá lúng túng”, em Nguyễn Trần Xuân Huy cho biết. 

Em Lê Thu Trang, học sinh lớp 12A5, Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng cũng đang rất vất vả để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp bởi ngoài ôn thi theo khối D (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh), em còn phải chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm có 150 câu hỏi với 3 phần thi là: Tư duy định lượng (môn Toán), Tư duy định tính (môn Văn) và Khoa học (gồm các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý). Đây là một thách thức lớn bởi lâu nay chúng em chủ yếu học, ôn thi theo truyền thống (xét tuyển theo các khối như khối A, B, C…) và chỉ học các môn để thi đại học. Hiện nay, chỉ trong thời gian ngắn, các trường thay đổi phương thức xét tuyển, ưu tiên lấy kết quả từ Kỳ thi đánh giá năng lực buộc thí sinh phải thay đổi cách học, em Thu Trang chia sẻ.

Hỗ trợ thí sinh ôn tập cho Kỳ thi đánh giá năng lực

Chú thích ảnh
 Các nhà trường và học sinh ở Nghệ An buộc phải thay đổi cách dạy và học. 

Mặc dù chưa có cuộc khảo sát chính thức nhưng năm nay số học sinh đăng ký dự Kỳ thi đánh giá năng lực do các trường đại học tự tổ chức sẽ cao hơn những năm trước.

Tại lớp 12A5, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Xuân Ôn, qua khảo sát của giáo viên chủ nhiệm lớp có 46 học sinh nhưng chỉ có 10 em dự kiến lấy kết quả học bạ để xét đại học. Hơn 30 học sinh khác có học lực khá, giỏi đều đăng ký Kỳ thi đánh giá năng lực để “rộng cửa” vào các trường đại học. Là giáo viên dạy Toán, đánh giá về kỳ thi này, cô giáo Thái Thị Bích Hường - chủ nhiệm lớp cho biết, đến nay hầu hết học sinh đã hình dung được Kỳ thi đánh giá năng lực qua các thông tin trên mạng xã hội, dự kiến sẽ tham dự vào cuối tháng 3 sau khi hoàn thành toàn bộ khung chương trình lớp 12.

Cô Bích Hường đã mua một gói gồm 50 bộ đề trên mạng để tham khảo về kỳ thi này. Qua nghiên cứu, cô khá lo lắng cho các học trò của mình bởi theo cô đề thi đánh giá năng lực phát triển khá sâu và rộng, không có giới hạn với nhiều dạng khác nhau. Hình thức ra đề của kỳ thi này cũng khác với đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, đòi hỏi thí sinh phải biết tư duy, phân tích đề và phát hiện vấn đề để giải quyết. Với cách ra đề này, nếu giáo viên chỉ cung cấp kiến thức là chính, học sinh không tư duy, không có ý thức tự học, khó có thể làm tốt đề thi và đạt mục tiêu đề ra.

Với môn Ngữ văn, nhiều giáo viên cho rằng, các câu hỏi về phần văn bản không khó, nếu học sinh có kỹ năng đọc văn bản chỉ cần đọc kỹ đề có thể làm được. Song phần câu hỏi ngôn ngữ rất đáng lo ngại bởi lượng kiến thức chủ yếu ở lớp dưới, thậm chí ở bậc Trung học cơ sở...

Thực tế cho thấy, ở các trường học hiện nay do phân phối chương trình đã khá “chặt” nên giáo viên chủ yếu chỉ hoàn thành nội dung theo kế hoạch giảng dạy, chủ yếu tập trung chính cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Vì vậy, khi các trường đại học thay đổi phương thức xét tuyển, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng không tránh khỏi lúng túng. Thời điểm này, nhiều trường đã bắt đầu khảo sát học sinh và lên kế hoạch để hỗ trợ thêm cho các thí sinh ôn thi Kỳ thi đánh giá năng lực.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Xuân Ôn cho biết thêm, nhà trường đã yêu cầu các lớp rà soát số lượng học sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực, từ đó yêu cầu các tổ chuyên môn nghiên cứu đề thi mẫu để xây dựng kế hoạch ôn tập hoặc hỗ trợ cho học sinh. Trong thời gian qua, nhà trường chủ trương cho học sinh học đều các môn, không học lệch, học tủ, nên việc ôn thi của học sinh thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường tổ chức ôn thi cho học sinh để đáp ứng cả bài thi tốt nghiệp và bài thi đánh giá năng lực. Ngành cũng rà soát nguyện vọng học sinh để xây dựng nội dung ôn tập phù hợp với đề thi đánh giá năng lực; khuyến khích tự học để phát huy tính tư duy của học sinh. Ngành đã cung cấp tài liệu, cấu trúc đề thi, đề thi mẫu và tiếp tục triển khai sinh hoạt chuyên môn theo từng môn học do chuyên viên của Sở chủ trì để phân tích, đánh giá sâu về môn thi, hỗ trợ trực tiếp cho các nhà trường.

Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)
Điểm thi đánh giá năng lực vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên dự kiến thế nào?
Điểm thi đánh giá năng lực vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên dự kiến thế nào?

Bạn đọc hỏi: Với hình thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực vào Trường Đại học khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì điểm thi đánh giá năng lực dự kiến bao nhiêu mới đủ điều kiện trúng tuyển vào Trường? Trường có tổ chức thi đánh giá năng lực ở phía Nam không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN