Ba bản tin ngày cuối năm

Một đường dây buôn bán nội tạng người bị phát hiện. Một ca hiến tặng các bộ phận cơ thể để cấy ghép cho bệnh nhân khác. Và các “xóm chạy thận” ngày cận Tết với những cảnh đời vất vả gian nan. Rất tình cờ, những câu chuyện tưởng chỉ có mối liên hệ không quá mật thiết với nhau này lại trở thành các mảnh ghép của bức tranh về quy định hợp pháp hoá hay không việc buôn bán nội tạng, cũng như cơ chế phù hợp để bệnh nhân chạy thận được có cơ hội cấy ghép, lấy lại sức khoẻ, tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an tại khu vực phía Nam và Công an Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã triệt phá một đường dây buôn bán nội tạng người hoạt động xuyên quốc gia. Đây là đường dây buôn bán nội tạng người lớn nhất từ trước tới nay bị phát hiện.

Chú thích ảnh
Đối tượng Tôn Nữ Thị Huyền, kẻ cầm đầu đường dây buôn bán nội tạng người. Ảnh: TTXVN phát

Theo điều tra ban đầu, đường dây này chủ yếu hoạt động mua bán thận, với số tiền thu được từ mỗi ca bán thận thành công từ 15.000 - 17.000 USD (khoảng 350-400 triệu đồng). Trong đó, người bán được nhận khoảng 200 triệu đồng

Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, trên thực tế, động cơ, cảnh ngộ của những người bán và mua thận trong vụ việc này nói riêng và rất nhiều vụ mua bán nội tạng khác đã không nằm ngoài hình dung của cộng đồng. Những người bán thận nói chung và của đường dây mới bị bóc gỡ này nói riêng đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nợ nần hoặc có người thân bị bệnh tật cần tiền chữa trị. Bản thân kẻ cầm đầu đường dây mới bị phát hiện này cũng là một phụ nữ từng phải bán đi 1 quả thận của mình để trang trải nợ nần. Những người bán thận xong, đa số sức khoẻ đều suy yếu, mất khả năng lao động và tiếp tục lún sâu vào đói nghèo. Còn người mua chính là những bệnh nhân đang hàng ngày sống chung với căn bệnh suy thận mãn, có người kiệt quệ cả sức lực và tài chính, ngày đêm lần hồi trong những “xóm chạy thận”. Họ tằn tiện từng đồng tiền để có thể duy trì chế độ chạy máy 3 lần một tuần với hy vọng một ngày phép lạ sẽ tới, sẽ được thay một quả thận khoẻ mạnh.

Theo thống kê chưa chính thức, mỗi năm nước ta có hàng chục ngàn ca suy tạng cần được ghép, nhưng số ca được thực hiện chưa tới 1/10. Thiếu tạng ghép và chi phí cao làm mất cân đối giữa cung - cầu, từ đó hình thành việc mua bán tạng bất hợp pháp ở "chợ đen". Bên cạnh đó, hiện nay, phí ghép thận ở nước ta vào khoảng 200 đến 300 triệu đồng một ca, bằng một phần nhỏ so với chi phí chạy thận hàng chục năm của một bệnh nhân suy thận mãn. Nếu được bảo hiểm chi trả 1 lần cho ca ghép thận, và có nguồn thận hợp pháp, thì các bệnh nhân này đã không phải mỏi mòn cuộc đời và sức khoẻ nơi các “xóm chạy thận”, đồng thời những kẻ mua bán nội tạng mới hết cơ hội kiếm chác từ người bán – người mua như hiện nay.

Chú thích ảnh
Một bệnh nhân tại “xóm chạy thận” gần BV Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Minh Phúc - Hiếu Anh

Tác hại của hoạt động buôn bán tạng “đen” là không thể phủ nhận: Nó có thể khiến người nhận cố ghép bằng mọi giá, thậm chí cả khi sự tương thích không cao, từ đó tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khoẻ và sinh mạng. Về phía người bán tạng, sau khi bán tạng không được chăm sóc, trước đó thì không được tư vấn chuyên môn về lợi hại của phẫu thuật…, nên sức khoẻ chắc chắn bị suy sụp. Họ không có hợp đồng mua bán, nên khi biến chứng xảy ra sẽ càng kiệt quệ về kinh tế mà không được bảo vệ về mặt pháp luật. Các nhà quản lý xã hội còn dự kiến nguy cơ về nạn bắt cóc, lừa gạt để lấy tạng.

Trong bối cảnh “thị trường đen” mua bán, trao đổi nội tạng ngày càng ngang nhiên, thì xuất hiện thêm một thông tin tích cực của y học Việt Nam. Một thanh niên bị tai nạn giao thông, chết não đã được gia đình tình nguyện hiến toàn bộ tạng và mô. Hai thận và gan của anh đã được ghép ngay cho 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. Quả tim được điều phối chuyển vào Huế ghép cho một bệnh nhân 52 tuổi bị suy tim. Hai giác mạc và các mô của anh đang được lưu giữ để chờ ghép cho những bệnh nhân phù hợp. Trước đây không lâu, một trường hợp hiến đa tạng cũng đã gây ấn tượng mạnh đối với cộng đồng khi hiến tới 7 bộ phận cơ thể. Những thông tin tích cực này vừa cho thấy y học Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận, vừa đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc trong nhận thức của xã hội. Việc hiến tặng các phần của cơ thể cho người khác vượt qua những quan niệm truyền thống về sự “bảo toàn thi thể sau khi mất” thật sự là một nghĩa cử cao đẹp, vì sự sống, vì cộng đồng.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Bộ Y tế thăm một bệnh nhân ghép phổi từ tạng hiến tặng tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Tư liệu bệnh viện/TTXVN phát

Chính vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh vận động hiến tạng nhân đạo từ người cho chết não, tim ngừng đập, song song với việc xây dựng và bổ sung các nội dung trong quy định về bảo hiểm y tế để hỗ trợ cho người bệnh bị suy tạng. Có như vậy mới góp phần cứu giúp những mảnh đời mỏi mòn chờ cấy ghép, đồng thời xoá bỏ triệt để những đường dây mua bán nội tạng người, trục lợi trên nỗi đau và sự kiệt quệ của người bệnh.

Thùy Hương/Báo Tin tức
Phá đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia
Phá đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia

Ngày 31/1, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, cho biết vừa phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an tại khu vực phía Nam và Công an TPHCM triệt phá một đường dây buôn bán nội tạng người xuyên quốc gia. Cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng trong đường dây này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN