Cuộc chiến không khoan nhượng, không chùn bước

Có thể khẳng định, trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đã góp phần làm trong sạch bộ máy cán bộ, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh tư liệu: Trí Dũng/TTXVN

Bài 1: Chấp nhận mất để được

Đảng ta xác định, tham nhũng, tiêu cực là "giặc nội xâm” và cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hết sức gian nan, phức tạp, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì và quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả của công cuộc đổi mới.

Hơn 11 năm tiến hành công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (đánh dấu bằng mốc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - tháng 2/2013), công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước đã đạt nhiều kết quả hết sức quan trọng, toàn diện.

Đã có những tổng kết, đánh giá về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng thời gian qua. Trong cuốn “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

Cũng không khỏi đau lòng, đã có không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao, thậm chí có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, cán bộ quản lý vì không cưỡng nổi cám dỗ của đồng tiền, nên đã sa ngã, thoái hóa biến chất, vi phạm trong hoạt động thực thi công vụ, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân.

Đã có không ít vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, công an, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu... đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, được đông đảo cán bộ, đảng viên, các lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Mới nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Kết quả bước đầu trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực với một tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm và không có ngoại lệ, tất cả vì sự nghiệp chung. Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm (trong đó có nhiều cán bộ cấp cao) cũng là bài học răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo để những người khác không vi phạm.

Đảng ta nhận định, một trong những căn nguyên của tệ tham nhũng chính là công tác cán bộ thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nổi cộm là công tác đề bạt, bổ nhiệm. Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Tuy nhiên, do một thời gian dài công tác này bị buông lỏng, dẫn tới thực trạng nhiều cán bộ được bổ nhiệm không đủ phẩm chất, năng lực; thậm chí cả đối tượng chạy chức chạy quyền, bổ nhiệm người nhà vào những vị trí quan trọng… khiến lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ bị xói mòn.

Để có được kết quả to lớn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp nhất là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đặt câu hỏi “Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực?”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh rằng, tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội; không được né tránh, cầm chừng, thỏa mãn; trái lại, phải rất kiên trì, không nghỉ, không ngừng; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Nhận thức rõ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần thiết phải xây dựng được thể chế sát với thực tiễn, cùng đó là cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm tạo nền tảng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần phải xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt những kẽ hở, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để không thể tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, chú trọng xây dựng các quy chế quản lý nội bộ của Đảng; các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Không thể phủ nhận, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không tránh khỏi mất cán bộ, nhưng đó là mất cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất, mà người dân thường gọi là những “con sâu”.

Cũng có ý kiến lo ngại, kỷ luật nhiều như thế thì lấy đâu cán bộ để làm việc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có câu trả lời rõ ràng: “Không lo không có cán bộ làm việc, bởi cán bộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn sai cả về đạo lý thì không thể không xử lý. Quan trọng là phải chọn đúng cán bộ thay thế”.

Dẫu biết rằng, mất cán bộ là mất mát lớn, nhưng loại bỏ những “con sâu” ra khỏi bộ máy chính là bảo vệ kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tinh thần thượng tôn pháp luật; tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước; cũng là động lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bài 2: Sức mạnh của "trên dưới đồng lòng"

Yến Nhi/Báo Tin tức
Khởi tố Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà
Khởi tố Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN