Bóc trần luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam - Bài cuối: Đập tan mọi âm mưu thâm độc

Khi các bài báo này của chúng tôi được đăng tải cũng là thời điểm những kẻ chống đối, thù địch đang hằn học tung ra những lời lẽ bình luận mang tính xúc phạm và tiếp tục công kích, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các đối tượng tuyên truyền chống phá Nhà nước (từ trái qua): Phan Sơn Tùng, Phan Đình Sang. Ảnh: TTXVN phát

Như vậy để thấy, các thế lực thù địch vẫn không từ mọi thủ đoạn và cơ hội nào để chống phá đất nước ta, nhất là trên mặt trận tư tưởng, truyền thông. Nhưng thực tế là sự kháng cự đó càng lột trần bộ mặt thật, trơ trẽn của chúng trong hình ảnh đối lập của một Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, lấy nhân dân là trung tâm, là chủ thể của tiến trình phát triển đất nước.

Gieo gió ắt gặt bão. Một số phần tử phản động, thù địch núp bóng hoạt động dân chủ, nhân quyền, gần đây tiếp tục bị lật tẩy mưu đồ thâm độc chống phá đất nước ta. Đối tượng Phan Đình Sang (trú tại xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) khi bị khởi tố đã thú nhận hành vi tuyên truyền, xuyên tạc lịch sử, phỉ báng chính quyền nhân dân và lãnh tụ. Đối tượng này được xác định có quan hệ với một số tổ chức phản động, chống đối Nhà nước ở trong và ngoài nước. Sang từng có quan hệ với Đường Văn Thái (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội; cũng đã bị bắt giữ), một đối tượng trước đây sống lưu vong, suốt ngày rêu rao luận điệu cũ rích moi móc, công kích, xuyên tạc các chủ trương, chính sách, công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta.

Cách đây không lâu, một đối tượng khác chuyên truyền thông “bẩn” trên mạng xã hội là Phan Sơn Tùng đã bị phạt tù về tội “Làm, tàng trữ, phán tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đối tượng này thậm chí còn tuyên bố thành lập đảng phái riêng với mục đích phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chống phá chế độ ta…

Quốc có quốc pháp. Ở đâu cũng vậy, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Vậy nên, cần phải hiểu quyền con người không đồng nghĩa với việc “muốn làm gì thì làm”. Những kẻ nhân danh “nhân quyền” theo cách như vậy để phá hoại nền dân chủ, độc lập và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nước ta, đều phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Vả lại, người dân Việt Nam hiện nay ngày càng biết tự trang bị cho mình khả năng “đề kháng” trước những thông tin xấu độc, nhất là các thông tin phản động, xuyên tạc tình hình đất nước trên mạng xã hội. Những thông tin kiểu so sánh về tự do, dân chủ, về đời sống xã hội… giữa Việt Nam với các nước khác để qua đó hạ thấp giá trị Việt Nam, bôi nhọ chế độ, bây giờ không thể “lừa” được bất kỳ ai nữa. Những thông tin như thế thường bị người dân thẳng thừng công kích ngược, thành ra phản tác dụng. Có thể gọi đó là “gậy ông đập lưng ông” vậy.

Chú thích ảnh
Chiều 20/1/2024, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên án đối với 100 bị cáo trong vụ án hình sự “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Khủng bố; Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Che giấu tội phạm” xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023. Ảnh: TTXVN

Đối với mưu đồ “chuyển lửa về quê hương” cũng vậy. Dã tâm của các thế lực phản động, thù địch từ nước ngoài sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để kích động bạo lực, bạo loạn, khủng bố, chống chính quyền nhân dân đã và đang phải nhận kết cục đắng. Gần đây nhất, vụ tấn công khủng bố tại Đắk Lắk đã sớm bị đập tan bởi nỗ lực bảo vệ người dân của các lực lượng chức năng và sự góp sức của chính những người dân nơi đây. Âm mưu thâm độc của kẻ thù bị lột trần trong lời thú tội: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các bị cáo, các thành viên của tổ chức Nhóm hỗ trợ người Thượng (MSGI) ở Hoa Kỳ và nhóm Người Thượng vì công lý (MSFJ) ở Thái Lan đã thường xuyên móc nối, dụ dỗ, lôi kéo các bị cáo cùng bộ phận người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các địa phương lân cận thành lập tổ chức khủng bố “Lính Đêga”, thực hiện các hoạt động tấn công, khủng bố gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Dù biết rằng bốn nguy cơ, thách thức lớn vẫn luôn thường trực trong tiến trình xây dựng đất nước Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có nguy cơ “âm mưu và hành động ‘diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch”, tuy nhiên, mọi mưu đồ chống phá Việt Nam từ bên trong hay từ bên ngoài sớm muộn rồi cũng sẽ thất bại trước tinh thần đoàn kết toàn dân tộc không thể lay chuyển, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trong đó bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Trong tuyên bố kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn một lần nữa nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, đồng thời tái khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người. Tại nhiều diễn đàn quan trọng, cộng đồng quốc tế cũng đều bày tỏ ghi nhận những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.

Trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thêm một lần nhắc lại khiêm tốn và cũng đầy tự hào: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Đó là thực tế không thể phủ nhận.

Vậy nên, mọi luận điệu nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam, nhằm xuyên tạc nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam đều trở nên lạc lõng.

Chú thích ảnh
Nghi lễ Thượng cờ được tổ chức trang nghiêm tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tổng thống Mỹ Barak Obama ăn bún chả Hà Nội, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ăn bánh mì vỉa hè Đà Nẵng, Thủ tướng Canada Justin Trudeau uống cà phê vỉa hè Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thưởng thức trà giữa lòng Hà Nội… Hình ảnh các nhà lãnh đạo nhiều nước hòa vào nhịp sống thanh bình và đặc sắc của Việt Nam trong các chuyến thăm những năm gần đây là những minh chứng hơn ngàn lời nói về đời sống thực tế ở Việt Nam.

Nhìn ra những cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo vẫn đang nổ ra liên miên tại nhiều khu vực trên thế giới, và với lịch sử hàng nghìn năm chống ngoại xâm của mình, mỗi người dân Việt Nam lại càng trân quý giá trị của hòa bình, của độc lập dân tộc, tình yêu thương đồng loại. Vậy nên, dù chông gai, dù các nguy cơ vẫn luôn rình rập, dù luôn có những kẻ ngáng đường, Việt Nam vẫn tự tin và quyết tâm phát triển đất nước theo con đường đã chọn, lấy “dân là gốc”, lấy nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam sớm muộn cũng sẽ chuốc lấy thất bại.

Trung Sơn
Bóc trần luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam - Bài 4: Câu trả lời cho những vu cáo lạc lõng
Bóc trần luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam - Bài 4: Câu trả lời cho những vu cáo lạc lõng

Trong lúc người dân Việt Nam đồng lòng, nỗ lực trong công cuộc dựng xây đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, thì những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch trở nên hết sức lạc lõng bởi đi ngược lại sự thật và lòng người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN