Chính sách ngoại giao viện trợ của Hàn Quốc

Chiến lược ODA trung hạn 5 năm (2020-2025) của Hàn Quốc có liên kết chặt chẽ với các ưu tiên kinh tế và đối ngoại như chính sách “hướng Nam mới” và “hướng Bắc mới”.

Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng trở thành một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao cường quốc trung gian của Hàn Quốc ở châu Á. Mặc dù Hàn Quốc bày tỏ mong muốn áp dụng các quy chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực này, nhưng tốc độ, phạm vi và mức độ áp dụng sẽ phụ thuộc vào các tiêu chuẩn và tiêu chí của các chủ thể chính như các bộ ngoại giao và kinh tế của Hàn Quốc. 

Chú thích ảnh
ODA của Hàn Quốc nghiêng nhiều về châu Á với các đối tác ưu tiên của nước này là những nước có thu nhập trung bình cao. Ảnh: businesskorea.co.kr

Theo nhận định của Seung-Kwang (Jeffrey) Choi, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường Khoa học Xã hội tại Đại học Monash, Australia mới đây trên Diễn đàn Đông Á (eastasiaforum.org), đối với các nhà quan sát bên ngoài, ODA của Hàn Quốc vẫn là chương trình trọng tâm của nhà nước, tuân thủ có chọn lọc các tiêu chuẩn toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đặt ra.

Nguyên nhân một phần có thể là do quá trình chuyển đổi lịch sử của Hàn Quốc từ nước nhận ODA thành nhà tài trợ. Trong khi ODA cho Hàn Quốc đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước này, thì quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế của Seoul và việc thành lập Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng nghĩa với việc quốc gia Đông Bắc Á này đã bắt đầu cung cấp ODA cho các nước đối tác một cách có hệ thống ngay từ đầu những năm 1990.

Khi KOICA được thành lập vào năm 1991, vốn ODA của KOICA có trị giá 57 triệu USD. Đến năm 2010, vốn ODA của Hàn Quốc đã tăng hơn 20 lần. Hàn Quốc cuối cùng đã gia nhập Ủy ban Hỗ trợ Phát triển của OECD (DAC) - câu lạc bộ các nhà tài trợ truyền thống của các nước tiên tiến - vào năm 2010. 

Trong giai đoạn 2010-2019, tỷ lệ vốn vay ưu đãi ODA của Hàn Quốc là 37% so với mức trung bình của DAC là 5%. Điều đáng quan tâm hơn là tỷ lệ ODA “ràng buộc” của Seoul - viện trợ được đưa ra với điều kiện được sử dụng để mua hàng hóa hoặc dịch vụ từ nhà cung cấp - gần 50%. Hàn Quốc có tỷ lệ viện trợ "ràng buộc" cao nhất trong số các thành viên DAC, mặc dù thực tế là ODA "không ràng buộc" được DAC khuyến khích mạnh mẽ.

ODA của Hàn Quốc cũng nghiêng nhiều về châu Á, và các đối tác ưu tiên của nước này là những nước có thu nhập trung bình cao - nhiều nước cần ODA ít hơn các nước kém phát triển hoặc thu nhập trung bình thấp hơn. Một tỷ lệ đáng kể - gần 40% - vốn ODA của Hàn Quốc dành cho cơ sở hạ tầng kinh tế và sản xuất trong năm 2019, trong khi hỗ trợ nhân đạo chỉ là 2%.

Năm 2020, Hàn Quốc đã sửa đổi Đạo luật khung về Hợp tác Phát triển Quốc tế. Những thay đổi bao gồm việc điều chỉnh các định mức ODA toàn cầu, nhấn mạnh đến xóa đói giảm nghèo, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển bền vững và nhân đạo - mặc dù việc theo đuổi lợi ích quốc gia cũng là một mục tiêu ODA của Hàn Quốc. Theo đó, chiến lược ODA trung hạn 5 năm (2020-2025) của Hàn Quốc có liên kết chặt chẽ với các ưu tiên kinh tế và đối ngoại như chính sách “hướng Nam mới” và “hướng Bắc mới”.

Việc sửa đổi trên được thúc đẩy bởi mạng lưới quản lý ODA toàn cầu phức tạp trong thế kỷ 21. Các cam kết ODA của các nhà tài trợ truyền thống đã bị đình trệ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây gần 15 năm và nguồn tài chính phát triển không đủ để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, cách tiếp cận tích cực của Hàn Quốc đối với ODA đã trở nên phổ biến đối với các thành viên DAC truyền thống như Mỹ, Anh, Australia, Canada và Đan Mạch - chưa kể đến các nhà tài trợ mới nổi như Trung Quốc.

Trong môi trường thuận lợi này, Hàn Quốc gần đây đã mở rộng giải ngân vốn ODA và tìm kiếm vai trò tích cực hơn trong việc kết nối lợi ích của các bên cung cấp ODA khác nhau. Trong 10 năm kể từ khi gia nhập DAC, khối lượng ODA của Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 12% - mức cao nhất trong số các thành viên DAC với mức trung bình là 2%. Xét về năng lực, sự tập trung và cam kết, cũng như khả năng sáng tạo trong việc điều động giữa các bên liên quan và xây dựng liên minh, Hàn Quốc rất phù hợp để theo đuổi ODA như một cường quốc trung gian.

Tóm lại, chiến lược ODA của Hàn Quốc là lấy nhà nước làm trung tâm đã được định hình thông qua bản sắc và chuẩn mực của các bộ giám sát ODA, những bộ đã có được phần lớn kinh nghiệm về ODA trong 50 năm khi Hàn Quốc là nước nhận viện trợ. Miễn là ODA của nước này ở một mức độ nào đó phục vụ hàng hóa công toàn cầu, ODA sẽ vẫn là một phần thành công trong chiến lược cường quốc trung gian của Hàn Quốc.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo eastasiaforum.org)
Quy định mới về quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Quy định mới về quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN