Đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội

Ngày 21/9, phát biểu tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại VietinBank Chi nhánh Hà Nội. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tín dụng là một lĩnh vực rất được quan tâm, đến ngày 15/9 tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Đặc biệt với thành phố Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, hiện đứng thứ 2 về dân số, đóng góp gần 20% GDP cả nước, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc 5,56%, cao hơn mức tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng là 8,35%); quy mô tín dụng của thành phố đứng thứ hai toàn quốc, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, cơ cấu tín dụng của Hà Nội tập trung ở ngành thương mại dịch vụ, chiếm tỷ trọng cao nhất 67,4% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố, tăng 11,3%. Một số ngành dịch vụ có dư nợ lớn, mức tăng trưởng cao như ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; vận tải kho bãi; hoạt động dịch vụ khác..., đóng góp quan trọng cho mức tăng trưởng cao khu vực dịch vụ của thành phố. Tiếp đó là tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 30,8% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố, tăng 8,5%.

Các tổ chức tín dụng cũng đã quan tâm, tập trung cung ứng tín dụng đối với một số dự án giao thông trọng điểm, quan trọng của Thủ đô với tổng hạn mức cấp tín dụng là 12.468 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội là gần 39.000 tỷ đồng (chiếm hơn 32% tổng số dư gốc và lãi được cơ cấu toàn hệ thống) cho hơn 87.000 lượt khách hàng (chiếm hơn 70% tổng số lượt khách hàng toàn hệ thống).

Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp, song bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước cũng như địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo bà Hà Thu Giang, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành ngân hàng.

Mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả; tổ hức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Là doanh nghiệp có doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận vốn hàng năm đạt từ 10 – 15%, đóng góp ngân sách  gần 200 tỷ đồng, bà Nguyễn Thu Hương, Tổng giám đốc Tập đoàn Nagakawa cho biết thời gian qua, ngân hàng đã tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh như vẫn duy trì, không cắt giảm nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm lãi suất theo đúng định hướng chủ trương của nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian vừa rồi Tập đoàn cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn như việc quản lý hoạt động cho vay bằng room tín dụng có thời điểm gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm nên chính sách tín dụng cần ổn định, nhất quán.

Bà Nguyễn Thu Hương cũng cho rằng, lãi suất thực tế dù đã giảm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các ngân hàng cần tiếp tục xem xét, ban hành chính sách giảm, ưu đãi thêm lãi suất và sớm triển khai thực hiện để giúp đỡ doanh nghiệp.

Còn theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội thì việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài. Việc kiểm soát rủi ro càng được đề cao thì thời gian xem xét phê duyệt khoản vay càng dài. Với 1 khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1-3 tháng và khoản vay trung hạn, dài hạn thì trung bình duyệt trong vòng 3 tháng. Thậm chí có những khoản vay tới 6 tháng hoặc dài hơn.

Do đó, ông Lê Vĩnh Sơn đề xuất, các ngân hàng cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt để rút ngắn thời gian trung bình trong vòng 1 tháng với tất cả các khoản vay. Đồng thời, cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên tỷ lệ tài sản bảo đảm (nếu có) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, có thời gian thu xếp nguồn để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, đến ngày 31/8, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,5 ngàn tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm.

Tại địa bàn Hà Nội, đối tượng khách hàng của Agribank chủ yếu là khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô hoạt động không lớn, do đó, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng vừa qua. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều hoạt động cầm chừng, rất hạn chế mở rộng quy mô, hoạt động giảm hiệu quả. Dư nợ cho vay tại khu vực thành phố Hà Nội của Agribank đạt 134 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 9% tổng dư nợ của Agribank.

Dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhưng tín dụng của Agribank vẫn tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, do đó đại diện Agribank cho rằng, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu…

Theo bà Hà Thu Giang, trong thời gian tới để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngân hàng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo Danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ.

Song song với đó là thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân.

Thùy Dương (TTXVN)
Kỳ vọng kích cầu tín dụng cuối năm
Kỳ vọng kích cầu tín dụng cuối năm

Trong bối cảnh doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay... đã được triển khai. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất hạn chế. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN