Động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số - Bài 1: Hướng tới thành phố tiên phong sử dụng công nghệ số

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang lại nhiều sự thay đổi cơ bản về kinh tế, xã hội trên toàn cầu.

Không nằm ngoài xu hướng đó, tỉnh Bắc Ninh đang hướng tới trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố công nghệ cao, thành phố kinh tế số. Trong bối cảnh đó, TTXVN xin giới thiệu loạt bài "Động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số".

Chú thích ảnh
Năm 20220, Bắc Ninh khai trương phần mềm phản ánh kiến nghị trên thiết di động. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Bài 1: Hướng tới thành phố tiên phong sử dụng công nghệ số

Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là thành tựu về kinh tế với nhiều chỉ tiêu trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đây là thành quả của việc hoạch định chiến lược dài hạn, với những bước đi cụ thể, các giải pháp quyết liệt, đồng bộ; trong đó, xây dựng chính quyền chuyên nghiệp, hiệu lực dựa trên chuyển đổi số được Bắc Ninh xác định vừa là mục tiêu và cũng là đích đến.

Thành phố vì tương lai

Mới đây, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết phê duyệt "Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030" với mục tiêu đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành “Thành phố vì tương lai”, tiên phong sử dụng công nghệ số và dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, giải quyết các thách thức của đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Tỉnh Bắc Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 35% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Ninh thúc đẩy sử dụng các nền tảng, giải pháp số cho doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, xây dựng và đẩy mạnh môi trường thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển bưu chính viễn thông, xây dựng diễn đàn trao đổi, hợp tác kinh tế.

Bắc Ninh cũng xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững đến năm 2030, là trọng tâm của đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số gắn liền với cải cách thể chế, là trách nhiệm, quyết tâm của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị tỉnh. Đây là hoạt động đặc thù, khó khăn, cần nhiều nguồn lực để thực hiện, do đó quá trình chuyển đổi số cần ưu tiên một số ngành, lĩnh vực và phù hợp tình hình thực tiễn ở từng thời điểm cụ thể.

Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với ba trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Ông Nguyễn Trung Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh nhận định, với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành, đến nay nhiều chỉ tiêu chuyển đổi số quan trọng của tỉnh đã hoàn thành sớm, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023. Bắc Ninh đã tập trung xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ dùng chung thống nhất cho toàn tỉnh, triển khai theo mô hình tập trung tại trung tâm dữ liệu tỉnh; xây dựng, ban hành các Quy chế, quy định quản lý, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung nhằm tăng cường kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, giảm thiểu tình trạng manh mún, phân mảnh ứng dụng.

Những năm qua, Bắc Ninh được coi là một trong những trung tâm thu hút, phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao, được Tổng cục Thống kê ghi nhận có tỷ trọng ngành kinh tế số lõi cao nhất cả nước; trong đó, tiêu biểu có các ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học. Bắc Ninh cũng là địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI), năm 2021, xếp thứ 4; năm 2022, xếp thứ 7. 

Đặc biệt, theo Báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng bảo trợ, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỉ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,83%. Còn theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông  (Việt Nam ICT Index 2022) công bố ngày 21/9/2023, được nhóm nghiên cứu Cục Công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hội Tin học Việt Nam đưa ra, tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 10 Chỉ số ICT Index cấp tỉnh.

Hướng tới chính quyền số

Dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển, tỉnh Bắc Ninh đã sớm tiếp cận và chủ động nắm bắt, triển khai trong thực tiễn những thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với nhiều chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, huy động các nguồn lực để xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số và thành phố thông minh.

Với mục đích chính quyền số là hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Ninh đang tích cực vào cuộc xây dựng bộ máy chính quyền vì nhân dân phục vụ. Cụ thể, các thủ tục hành chính rườm rà được cắt giảm; chất lượng dịch vụ công trực tuyến ngày càng được cải thiện.

Toàn tỉnh hiện có 1.250 trung tâm hành chính được thực hiện trực tuyến; 225 trung tâm hành chính được thực hiện “5 tại chỗ” tại cấp tỉnh và cấp huyện; 100% cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, xã triển khai việc tạo lập hồ sơ công việc trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung toàn tỉnh có ký số văn bản điện tử đối với lãnh đạo thay cho việc ký văn bản giấy; tỉnh hoàn thành việc cấp thẻ Căn cước công dân điện tử cho người dân; thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử tính đến nay đạt tỷ lệ trên 70%.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Theo đó, đã đạt những kết quả tích cực: tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ nét; việc số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh; việc thanh toán không dùng tiền mặt được quan tâm chỉ đạo; cán bộ công chức, viên chức sử dụng thành thạo tra cứu thông tin công dân qua dữ liệu dân cư, không yêu cầu người dân xuất trình xác nhận nơi cư trú; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu… 

Trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Bắc Ninh đạt 38,95% (riêng tháng 9/2023 đạt 64,6%); 145/164 cơ sở khám chữa bệnh sử dụng máy quét QR Code thực hiện việc tra cứu thông tin bảo hiểm y tế từ Căn cước công dân gắn chíp (tỷ lệ tra cứu thành công đạt 80,58%); tổng số lượt tra cứu, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt 35.299 lượt (trong đó, khai thác thành công 25.624 lượt).

Những nỗ lực trong ứng dụng chuyển đổi số vào cải cách hành chính tại Bắc Ninh đã góp phần bảo đảm sự hài lòng của người dân. Bắc Ninh hiện xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố về bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc cấp huyện và 90% hồ sơ công việc cấp xã được sử lý trên môi trường mạng.

Bài 2: Thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn

Đỗ Huyền
Động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số - Bài cuối: Mang nền tảng số đến từng người dân
Động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số - Bài cuối: Mang nền tảng số đến từng người dân

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn từng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số phải bắt đầu từ công dân số, do đó cần xây dựng lớp công dân số mới nhằm bảo đảm hiệu quả của chuyển đổi số bền vững. Bởi từ công dân số sẽ có xã hội số, từ xã hội số mới có nhu cầu số, từ nhu cầu số mới có thị trường số, rồi có doanh nghiệp số và kinh tế số".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN